Ngành Ngân hàng với những giải pháp kịp thời, chung tay cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bão, lũ
Ngành ngân hàng luôn là một trong những ngành tiên phong trong xử lý và phản ứng chính sách kịp thời, đúng và trúng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Có thể nói, khi nền kinh tế gặp khó khăn do tác động khủng hoảng và ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh, hoạt động ngân hàng không chỉ chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp, mà còn chịu tác động ảnh hưởng gián tiếp do khó khăn phát từ phía khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng. Đồng thời về mặt chính sách, ngân hàng đưa ra các giải pháp để thực hiên nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để duy trì, phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhìn ở góc độ này và bài học kinh nghiệm từ thực tế ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và giai đoạn khó khăn 2009-2012, ảnh hưởng của đại dịch lịch sử COVID - 19 gần đây, ngành ngân hàng luôn là một trong những ngành tiên phong trong xử lý và phản ứng chính sách kịp thời, đúng và trúng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất và tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp… đã trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần quan trọng vào sự phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, mỗi khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan: khủng hoảng, thiên tai và dịch bệnh. Cùng chung tay giúp người dân, doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), ngành ngân hàng đã và đang thực hiện những giải pháp cụ thể và thiết thực:
Thứ nhất, thống kê kịp thời khách hàng và dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão lụt, phân loại đánh giá và có biện pháp xử lý. Đây là chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và sự chủ động linh hoạt từ phía các TCTD cho vay. Việc đánh giá thiệt hại khách hàng, có ý nghĩa rất quan trọng làm cơ sở để có những biện pháp xử lý phù hợp: từ hỗ trợ bằng các giải pháp hiện có đến đề xuất kiến nghị về chính sách.
Thứ hai, trên cơ sở phân loại khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng theo nhóm ngành lĩnh vực, các TCTD hoàn toàn có thể chủ động xử lý bằng cơ chế chính sách hiện hành. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, việc áp dụng các quy định về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, khoanh nợ có thể thực hiện, với cơ sở của Nghị định 55 của Chính phủ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn, khi xảy ra tình trạng thiên tai dịch bệnh được cấp có thẩm quyền công bố.
Thứ ba, hành động cụ thể và thiết thực, với tinh thần trách nhiệm và chia sẽ để hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp, từ tiếp xúc, động viên, khảo sát đánh giá đến tư vấn, hướng dẫn để khách hàng, đặc biệt là người nông dân, hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt và khôi phục lại sản xuất. Đây là hoạt động phát huy sức mạnh tổng hợp: từ đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, đến tổ chức thực hiện và những hành động cụ thể. Trong đó, việc chủ động giảm lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất gắn với những gói tín dụng ưu đãi và giải ngân gói tín dụng này để chia sẻ, để hỗ trợ khách hàng, cũng là giải pháp và là động lực để cùng khách hàng, người dân vượt qua khó khăn.
Đây là những giải pháp và cách làm mà ngành ngân hàng đã và đang thực hiên, cùng với những kinh nghiệm và kết quả ấn tượng về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 vừa qua, sẽ tiếp tục là bài học kinh nghiệm quý báu và với sự phản ứng linh hoạt từ chính sách, từ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và trách nhiệm chia sẻ của mỗi TCTD sẽ nguồn lực lớn để hỗ trợ doanh nghiệp người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão lịch sử Yagi vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng.