Vấn đề - Nhận định

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần làm rõ tác động chính sách và phải có lộ trình

Thanh Thanh {Ngày xuất bản}

Theo các chuyên gia, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường (NGKCĐ) mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân chưa đủ thuyết phục trong khi việc đánh thuế này ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, “sức khỏe” doanh nghiệp. Do vậy, việc đánh thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp.

24 ngành kinh tế bị ảnh hưởng

thue-tieu-thu-dac-biet.jpg

Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAPIE) phối hợp với báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng ngày 20/9, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho thấy, việc bổ sung thuế TTĐB 10% đối với NGKCĐ trên 5g/ml theo dự thảo sẽ làm tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan trong chuỗi giá trị, làm thiệt hại khoảng gần 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022), làm giảm thuế gián thu 5,4 nghìn tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3,2 nghìn tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất NGKCĐ sẽ có xu hướng giảm.

“Đây là những con số rất đáng lưu ý. Ban soạn thảo cân nhắc kỹ việc bổ sung Thuế TTĐB đỐi với NGKCĐ trên 5g/ml…” Chuyên gia đề nghị.

Ông Lương Xuân Dũng, Chánh văn phòng Hiệp hội rượu bia nước giải khát Việt Nam, lo ngại chính sách này ảnh hưởng lớn tới khả năng phục hồi của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng giảm chi tiêu còn doanh nghiệp tăng chi phí. Chưa kể cơn bão Yagi gây ảnh hưởng với nhiều doanh nghiệp, ngập lụt khiến cho đình trệ sản xuất, cạn kiệt nguồn lực.

“Khi khó khăn, tăng thuế sẽ tăng giá, khiến cho người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm quản lý được và chuyến sang tiêu thụ đồ đường phố không kiểm soát, gây ra nguy cơ. Khảo sát cho thấy 49% sẽ chuyển sang các sản phẩm đường phố…” ông Dũng thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế), xét về bản chất, mục tiêu chính của thuế là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, cơ sở kinh tế của thuế vẫn là sản xuất kinh doanh, do vậy việc áp thuế phải luôn tính đến các tác động tương quan đối với phát triển kinh tế, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tác động đối với các nguồn thu ngân sách khác.

Về hiệu quả của thuế, ông Phụng cũng cho rằng cần so sánh tiền thuế thu được và chi phí bỏ ra (tiền lương, nhân công, hệ thống…). Khi thu được 100 đồng mà chi phí mất 70 đồng là không hiệu quả, chưa kể các tác động khác làm giảm thu ngân sách.

Đối với thuế TTĐB, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân.

“Tuy nhiên, thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta…", ông Phụng lưu ý.

Cần hài hòa lợi ích

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng chưa có đủ căn cứ để “quy tội” cho NGKCĐ là thủ phạm gây nên bện béo phì và việc đánh thuế TTĐB đối với NGKCĐ liệu có đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng mà luật này đặt ra hay không?

“Liệu áp thuế TTĐB lên NGKCĐ có hiệu quả trong bối cảnh có nhiều thực phẩm có chứa đường và có lượng calo cao khác cũng đang tồn tại trên thị trường. Nếu đánh thuế TTĐB đối với chỉ mỗi NGKCĐ thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác?", ông Phụng băn khoăn.

Đồng thời quả quyết: “Công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hóa buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng và khó khả thi trong việc quản lý thu thuế…”

Dẫn quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực thuế cho rằng, đề xuất áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, cụ thể, kỹ lưỡng, có đánh giá tác động đối với kinh tế xã hội.

“Thiết nghĩ, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan phối hợp cần bổ sung thêm thông tin, làm rõ lý do, cơ sở khoa học và bằng chứng xác đáng về việc sử dụng nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml là nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam; làm rõ trên thế giới có bao nhiêu nước đã áp dụng, bao nhiêu nước đã áp dụng thành công hay không thành công, rồi từ bỏ việc áp thuế này?”, ông Phụng đề nghị.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho biết Heineken là một trong những đơn vị bị tác động trực tiếp khi đưa NGKCĐ vào chịu thuế TTĐB. Về đề xuất thuế TTĐB thì cả ngành bia cho rằng đề xuất thuế hiện tại là sốc, không có tiền lệ, và ảnh hưởng không tích cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của toàn ngành.

"Heineken và các hiệp hội luôn ủng hộ mục tiêu tăng thuế để bảo vệ người dân, môi trường, tuy nhiên việc tăng thuế này cần đảm bảo hài hòa lợi ích. Hiện tại, Heineken đánh giá thuế TTĐB ảnh hưởng lớn, việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo doanh nghiệp hòa nhập", ông Nguyễn Thanh Phúc nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban pháp chế VCCI cho rằng, việc bổ sung mặt hàng NGKCĐ vào tính thuế TTĐB cần phải có đánh giá cẩn trọng. “Bộ Tài chính đã có tiếp thu ý kiến tuy nhiên mặt hàng bổ sung đợt này là nước đường với lý do đưa ra là để chống lại thừa cân béo phì, song chưa đủ căn cứ và cần cân nhắc..” bà Thủy thẳng thắn.

Theo chuyên gia VCCI, với tất cả các chính sách cần có quan điểm tiếp cận, tức là phải đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, có chọn lọc thực tiễn thực tế, quốc tế.

"Chúng tôi chưa thấy rõ các mô hình, kịch bản đánh thuế sẽ thay đổi hành vi người tiêu dùng, thay đổi tình trạng buôn lậu, hàng giả như nào? Vì vậy, đề nghị phải có đánh giá kỹ hơn về lộ trình cụ thể", bà Thủy đề nghị.

Thanh Thanh