Doanh nhân

Lãnh đạo Vingroup, Thaco hiến kế thúc đẩy phát triển chuỗi công nghiệp hỗ trợ

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề nghị Chính phủ có cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu đẩy mạnh được điều này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, Thaco, KN Holdings, Geleximco, T&T, Hòa Phát, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE)…

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup nhìn nhận hội nghị này không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp được góp ý kiến mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên to lớn của Chính phủ, truyền lửa để các tập đoàn, doanh nghiệp có thể có thêm năng lượng và tiềm lực để phấn đấu cho cộng đồng, cho xã hội.

Tại hội nghị, Chủ tịch Vingroup đã nêu ra một số giải đề xuất và giải pháp để phát triển mảng giáo dục, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup - Ảnh: VGP

Về vấn đề đào tạo, ông Vượng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

“Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo ‘cần câu cơm’ tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai”, ông Vượng nói.

Đồng thời, lãnh đạo Vingroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… bởi ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác. Theo thời gian, Việt Nam có thể tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này.

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Việc này có thể giúp rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác quy hoạch.

Đồng thời, ông Vượng kiến nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Ngoài ra, theo ông trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…

Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Vingroup đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu đẩy mạnh được vấn đề này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Ông cho biết sản lượng của VinFast hiện nay là 8.000 xe/năm, sang năm là 200.000 xe, rõ ràng là vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. Ông cũng khẳng định VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện đó. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group - Ảnh: VGP

Cùng nêu quan điểm về việc phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch. Thaco cũng đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN…

Theo Chủ tịch Thaco, đối với ô tô vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng. Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.

Lãnh đạo Thaco mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương nhận định để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề và Thaco đã sớm phát triển lĩnh vực cơ khí.

"Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…", ông Trần Bá Dương nói và cho biết thêm trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Thaco đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, Chủ tịch Thaco kiến nghị đối với công nghiệp hỗ trợ, mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Theo ông, hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Hoàng Hà