Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng dành nhiều ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3

Nhóm phóng viên 23/09/2024 06:30

Tại Hội nghị "Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 20/9, các ngân hàng đã chia sẻ nhiều giải pháp/chương trình đồng hành, hỗ trợ khách hàng ở các tỉnh thành phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ xin trân trọng giới thiệu.

giao-dich-42-.jpg

Giảm ngay lãi suất cho những khoản vay hiện hữu mà không cần khách hàng đề nghị

Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

Ngay sau khi cơn bão đi qua, Vietcombank đã thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN trong việc thăm hỏi khách hàng, nắm bắt thiệt hại của khách hàng, từ đó có các giải pháp hỗ trợ như miễn giảm lãi, hỗ trợ vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão.

Nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ, bên cạnh các chương trình an sinh xã hội Vietcombank đã triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay lên đến 2% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Chương trình giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới. Tổng quy mô dư nợ được hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng, với hơn 25.500 khách hàng. Đặc biệt tại các khu vực nông lâm nghiệp bị ảnh hưởng ngập lụt nặng nề, chúng tôi có những chương trình hỗ trợ cụ thể.

Ngay khi xác định được thiệt hại của khách hàng, chúng tôi đã giảm ngay lãi suất của những khoản vay hiện hữu mà không cần khách hàng đề nghị. Đối với những khách hàng có mức độ thiệt hại rất nặng, chúng tôi đang xây dựng chính sách hỗ trợ riêng phù hợp với đặc thù của từng khách hàng. Ngân hàng cam kết khi NHNN ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ đợt này, Vietcombank sẽ nỗ lực triển khai nhanh nhất.

Khẩn trương, kịp thời hỗ trợ người dân, khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

Thống kê sơ bộ, có 39 chi nhánh của VietinBank tại 26 tỉnh thành có khách hành bị ảnh hưởng bởi bão số 3, trong đó: hơn 400 khách hàng doanh nghiệp, dư nợ khoảng 40.000 tỷ đồng; gần 1.000 khách hàng cá nhân, với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 20.000 tỷ đồng. Đối với những khách hàng này, VietinBank đã xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 1% với quy mô dư nợ 100.000 tỷ đồng, chương trình kéo dài đến hết năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng còn một số chương trình hỗ trợ đặc biệt trong thời gian tới để chung tay cùng ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân.

Về phía ngân hàng, một số chi nhánh tại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 phải ngừng hoạt động, song VietinBank đã chỉ đạo các chi nhánh này nhanh chóng khắc phục, trở lại hoạt động kịp thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, tránh làm gián đoạn giao dịch của khách hàng.

Ngân hàng đã kịp thời chung tay đóng góp 2 tỷ đồng cùng ngành Ngân hàng sẻ chia với đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 để lại thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, cũng khẩn trương phát động cán bộ, nhân viên, người lao động trong hệ thống quyên góp 1 ngày lương để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

toan-canh-1-.jpg
Quang cảnh hội nghị

Hỗ trợ lãi suất đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp

Ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Đến ngày 20/9, ngân hàng xác định được hơn 1.000 khách hàng cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại 40 chi nhánh, với dư nợ bị ảnh hưởng trên 40.000 tỷ đồng và con số thiệt hại dự kiến sẽ còn tiếp tục gia tăng. BIDV đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh rà soát tình hình thiệt hại của khách hàng.

Nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng, cũng như bám sát chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, BIDV đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Cụ thể, giảm lãi suất từ 0,5-2%, tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng, áp dụng cho cả khách hàng cũ và khách hàng mới. Ngoài ra, BIDV cũng triển khai thêm gói tín dụng mới quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 nhưng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV. Thời gian hỗ trợ đến hết năm 2024.

Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 20/9), BIDV cũng đã dành khoảng 30 tỷ đồng để quyên góp ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Đồng thời, vận động hơn 28.000 cán bộ, nhân viên dành 1 ngày lương quyên góp thông qua Mặt trận Tổ quốc để khắc phục thiên tai.

Nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng đã được triển khai

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi ...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng (tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến phải cơ cấu nợ là trên 1.700 tỷ đồng).

Đối với các lĩnh vực khác, đối với khách hàng doanh nghiệp dư nợ bị ảnh hưởng tập trung vào các ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp, chế biến chế tạo; xây dựng; kinh doanh bất động sản; du lịch với tổng số khoảng 260 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng; đối với khách hàng cá nhân, dư nợ bị ảnh hưởng tập trung chính ở các ngành kinh doanh bán lẻ, tiêu dùng với trên 7.300 khách hàng, dư nợ bị ảnh hưởng dự kiến trên 2.300 tỷ đồng.

Riêng tại tỉnh Quảng Ninh ước tính có hơn 2.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ dự kiến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là 650 tỷ đồng. Tại TP. Hải Phòng có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là trên 500 tỷ đồng.

Ngay từ khi nhận được cảnh báo về cơn bão số 03, Agribank đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn cho cán bộ, tài sản và hệ thống kho tiền, cơ sở vật chất, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diến biễn thời tiết; bám sát chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Agribank đã triển khai chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, theo đó đối với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.

Trong thời gian tới, Agribank sẽ ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ với quy mô tối thiểu khoảng 20.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… với lãi suất ưu đãi.

Đồng thời, từ nay đến cuối năm, Agribank đang tiếp tục triển khai 5 chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp (các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập đoàn/tổng công ty, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tài trợ các dự án đầu tư) với tổng quy mô 195.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay bình quân từ chỉ từ 3%/năm đến dưới 7%/năm; triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất với khách hàng cá nhân như Chương trình cho vay OCOP quy mô 2.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống quy mô 15.000 tỷ đồng, cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh quy mô 20.000 tỷ đồng…

Sẵn sàng các phương án triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Bão số 3 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay khi có chỉ đạo của NHNN, MB đã xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể, trong đó: với khách hàng có dư nợ cũ, giảm tối đa 2% đối với các khách hàng bị ảnh hưởng, được phân loại theo: mức độ thiệt hại, năng lực tài chính. Trong đó, với các khoản nợ trung và dài hạn giảm từ 1-2% trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại tài sản,... trên 30%. Với nợ ngắn hạn giảm 0,5-1%, giảm 1-2% khoản vay trung, dài hạn. Việc giảm lãi suất này thực hiện từ hôm nay (ngày 20/9) đến hết năm 2024.

Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Sau ngày 18/9, đã xây dựng, bổ sung thêm gói 7.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Đồng thời, Công ty Bảo hiểm của MB cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.

MB đã sẵn sàng các phương án triển khai trong chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về gia hạn lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh hạn nợ, linh hoạt với khách hàng ảnh hưởng bởi khả năng trả nợ bởi bão số 3. MB cam kết thực hiện nghiêm túc, trong quá trình triển khai trên cơ sở thực tế sẽ có điều chỉnh phù hợp, có phương án để hỗ trợ kịp thời.

Luôn đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Sacombank chủ động rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho KH đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Về tình hình thiệt hại, theo báo cáo sơ bộ, số dư nợ bị thiệt hại của các khách hàng là 30.750 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ khách hàng, Sacombank đưa ra 1 số biện pháp gồm:

Thứ nhất, miễn giảm lãi vay 2%. Cụ thể, miễn giảm lãi vay cho tất cả khách hàng bị thiệt hại, với mức giảm lãi vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân lên tới 2%, áp dụng cho cả với dư nợ cũ và số dư nợ mới. Đồng thời, thực hiện giảm 50% phí dịch vụ đối với biểu phí hiện hành. Thời gian áp dụng của các gói chương trình là từ nay đến hết 31/12/3024.

Ngoài ra, Sacombank cũng đã hỗ trợ, thăm hỏi người dân 2 tỉnh Lào Cai và Thái Nguyên, tham gia ủng hộ chương trình của các đơn vị phát động. Đồng thời, phát động phong trào trong toàn thể cán bộ, nhân viên ngân hàng ủng hộ ngày lương để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Sacombank cam kết luôn đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn tại Sacombank để khôi phục lại sản xuất kinh doanh.

Áp dụng phương án hỗ trợ phù hợp nhất với từng ngành nghề

Bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB)

Tính đến ngày 19/9, SHB có 251 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó có 194 khách hàng cá nhân và 57 khách hàng doanh nghiệp tại một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Mức lãi suất hỗ trợ chúng tôi ước tính trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2024 là khoảng 40 tỷ đồng (chưa tính khoản hỗ trợ của gói vay 4,5%/năm). Chúng tôi sẽ còn tiếp tục rà soát để có những hỗ trợ tiếp theo cho khách hàng.

Để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố, SHB đã tiến hành rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng, tổng hợp và báo cáo theo chỉ đạo của NHNN. Chúng tôi có chương trình miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 01/9 – 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...

Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, áp dụng đến hết ngày31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

SHB cũng triển khai chính sách cơ cấu nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành như Nghị định 55, Thông tư 02, Thông tư 06, đồng thời xem xét hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, tín chấp.

Đồng thời sẽ tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để đưa ra những gói hỗ trợ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng...

Nhanh chóng hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

Ngay sau khi cơn bão đi qua, TPBank nhanh chóng rà soát, xác định nhóm khách hàng bị ảnh hưởng. Qua thống kê, TPBank có hơn 100 khách hàng doanh nghiệp và 26.000 khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng.

Sau khi đánh giá tình hình, TPBank ngay lập tức đưa ra 2 chương trình hỗ trợ khách hàng: Thứ nhất, chương trình cho khách hàng cá nhân, quy mô khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu, thời gian áp dụng từ ngày 9/9 - 31/1/2025; thứ hai, chương trình hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp với quy mô 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ đồng dành cho khoản vay cũ, với lãi suất ưu đãi giảm tối đa 2% và 800 tỷ đồng dành cho khoảnvay mới với lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành.

Thời gian tới, TPBank liên tục nắm tình hình khách hàng để nắm sát hơn, có hướng hỗ trợ tốt hơn, đặc biệt là phần liên quan triển khai lãi vay mới, không chỉ lãi suất mà còn về thủ tục, thời gian xử lý để làm sao khách hàng nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Chủ động làm việc cùng 26 tỉnh/thành bị ảnh hưởng để triển khai ngay các chương trình hỗ trợ

Đại diện Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank)

HDBank đã chủ động xuống cùng các đơn vị tại 26 tỉnh/thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để làm việc trực tiếp với khách hàng, thăm hỏi, tìm hiểu, triển khai ngay giãn hoãn nợ theo Thông tư 06. Bên cạnh chương trình cơ cấu nợ, HDBank cũng đưa gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, với quy mô 10.000 tỷ đồng, trong đó: 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, với mức giảm lãi suất tới 2% so với lãi suất hiện hành; 7.000 tỷ đồng triển khai cho vay mới, tập trung khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân, với lãi suất giảm 1%.

Hiện tại, công ty tài chính tiêu dùng của HDBank là HD SAISON cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi trị giá 2.000 tỷđồng, thời gian áp dụng đến ngày 31/3/2025, đối tượng và ưu đãi áp dụng tương tự gói 10.000 tỷ cho công nhân 2 năm trước.

Eximbank đã triển khai cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay…

Đại diện Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Ngay sau khi bão diễn ra, Eximbank đã nhanh chóng nghiên cứu, rà soát, thống kê khách hàng để đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ như: cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới và các giải pháp khác.

Cụ thể, về miễn giảm lãi vay, với khách hàng cá nhân, Eximbank giảm lãi vay lên đến 1% so với mức thông thường của Eximbank. Mức lãi suất này áp dụng cho tất cả khách hàng hiện hữu và vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão.

Với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Eximbank cũng thực hiện giảm lãi vay 1% cho các khoản vay ngắn hạn. Hiện Eximbank đã bắt đầu triển khai chương trình ưu đãi này đến khách hàng.

Ngoài các giải pháp trên, Eximbank cũng đang tích cực cùng các công ty bảo hiểm giúp khách hàng xác định thiệt hại để thực hiện bồi thường hoặc có chương trình tặng gói bảo hiểm tai nạn cho khách hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão.

Nhóm phóng viên