Hoạt động ngân hàng

Kiên Giang: Tăng cường giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

ThS. Trần Trọng Triết 24/09/2024 - 10:04

Năm 2024, tỉnh Kiên Giang xác định là năm bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Với vai trò là "kênh dẫn vốn" chính trong nền kinh tế, những đóng góp của ngành Ngân hàng sẽ có ý nghĩa lớn để hoàn thành các mục do tiêu tỉnh đề ra.

Bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, phát huy tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, phối hợp tốt các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, các giải pháp về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng; nỗ lực phấn đấu tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản, xuất kinh doanh; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề để nắm bắt và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn ngân hàng và thụ hưởng chính sách.

z5861018423482_a5b88d7bd991d53e68865a7de5862a3b.jpg
Kiên Giang: Tăng cường giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang cho biết, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực cao hơn để đạt tiệm cận bằng tăng trưởng tín dụng toàn quốc; trong đó, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên.

Đáng chú ý, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động tín dụng trên địa bàn cơ bản thông suốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt hơn 124.678 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời, hiệu quả góp phần thực hiện các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh. Riêng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 50% dư nợ toàn địa bàn với trên 64.900 tỷ đồng, trong đó, tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP đạt hơn 59.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt hơn 40.400 tỷ đồng.

Để hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang thực hiện hỗ trợ vốn cho hơn 50.000 hộ nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng dư nợ hơn 1.796 tỷ đồng, bình quân dư nợ 36 triệu đồng/hộ.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang, hiện tỉnh có hơn 20 tổ chức tín dụng có sự đồng hành với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhằm góp phần thực hiện chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ban hành chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP với quy mô 2.000 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024 - 2029.

Theo đó, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch kinh doanh thông qua việc dành nguồn vốn cung ứng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân bằng các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Chúng tôi kỳ vọng Hội nông dân các cấp trong tỉnh đồng hành cùng ngành Ngân hàng để phổ biến các chính sách, sản phẩm cho vay dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến với người dân nông thôn. Đồng thời, kịp thời nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng tiếp thu, nghiên cứu và có sự hoàn thiện phục vụ khách hàng nông dân người dân địa bàn nông thôn tốt hơn trong thời gian tới”, ông Trần Văn Phước nói.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cùng góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Trần Văn Phước cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đề nghị các chi nhánh ngân hàng quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm 2024 về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng.

ThS. Trần Trọng Triết