Giá vàng thế giới tăng vọt trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị
Tính đến 10h50' hôm nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đứng ở mức 2.682,10 USD/ounce, với mức tăng 34,86 USD (tương đương 1,08%) so với phiên trước.
Sự suy yếu của đồng USD đã góp phần vào đà tăng giá của vàng hôm nay. Theo đó, đồng USD giảm 0,43%, đưa chỉ số DXY xuống mức 100,3 điểm - nguyên nhân chính đẩy mức tăng của vàng lên mức cao kỷ lục mới là 2.689,40 USD/ounce. Nguyên nhân còn lại có thể là do các nhà giao dịch trả giá cao hơn cho vàng.
Một động lực chính khác thúc đẩy sự tăng vọt của vàng là việc điều chỉnh lại chính sách tiền tệ gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuần trước, ngân hàng trung ương đã thực hiện cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với lãi suất chuẩn, hạ lãi suất quỹ liên bang xuống mức từ 4,75 - 5,0%.
Khi giải thích về quyết định này, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố rằng, việc điều chỉnh lại lập trường chính sách sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho những tiến triển hơn nữa về lạm phát, khi FED bắt đầu quá trình chuyển sang một lập trường trung lập hơn.
Việc cắt giảm lãi suất được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ việc làm tại Mỹ và đã làm suy yếu đồng USD. Chỉ số DXY giảm 0,43% vào hôm qua (ngày 24/9), giao dịch đóng cửa ở mức 100,371 điểm. Sự suy yếu của đồng USD chiếm gần một nửa mức tăng 28 USD của vàng.
Các nhà đầu tư đã đổ xô đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn không chỉ để ứng phó với sự thay đổi chính sách của FED, mà còn do tình hình kinh tế đang xấu đi. Cuộc khảo sát mới nhất của Conference Board cho thấy mức giảm 6,9 điểm trong niềm tin của người tiêu dùng, đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 3 năm. Cả 5 thành phần của chỉ số, bao gồm: đánh giá về điều kiện kinh doanh và lao động, giá cổ phiếu, lãi suất, kỳ vọng lạm phát và kế hoạch mua, đều ghi nhận mức giảm.
Song song với đó, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông càng làm tăng thêm sự lo lắng. Do đó, các nhà đầu tư đã chuyển sang vàng như một "hàng rào" truyền thống chống lại sự bất ổn toàn cầu.
Sự kết hợp của các yếu tố kinh tế và địa chính trị này đã củng cố đáng kể sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Kết quả là, kim loại quý này đã tăng vọt lên vùng giá chưa từng có trước đây.
Thời gian tới, giá vàng sẽ được định hướng bởi các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai của FED, quỹ đạo của đồng USD và diễn biến tình hình tại các điểm nóng địa chính trị trên toàn thế giới.
Bất chấp giá vàng thế giới tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, vàng miếng trong nước hôm nay chững lại sau đà tăng vọt 1,5 triệu đồng lên đỉnh gần 4 tháng tại phiên hôm qua (ngày 24/9). Giá mua - bán vàng miếng SJC ổn định tại mức 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC tăng vọt 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 800.000 đồng/lượng chiều mua vào, ghi nhận mức giá kỷ lục mới ở mức 80,8 - 82,3 triệu đồng/lượng, chỉ thấp hơn vàng miếng 1,2 triệu đồng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng (chưa kể thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương 79,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra khoảng 4,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 3 triệu đồng/lượng.