Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng

Thêm một vòng bảo mật đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Chí Anh 26/09/2024 06:30

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng hiện nay đạt 87,08% với hơn 190 triệu tài khoản thanh toán (TKTT) cá nhân. Việc NHNN ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 quy định việc mở và sử dụng TKTT tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17) sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong mở, sử dụng TKTT, hạn chế việc lợi dụng, sử dụng TKTT cho các mục đích bất hợp pháp.

toi-pham-cong-nghe-cao.jpg
Thêm một vòng bảo mật đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Ảnh minh họa

Thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao tinh vi và diễn biến phức tạp

Theo cơ quan công an, thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, tội phạm liên quan đến hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng để sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp.

Đầu tháng 9/2024, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Nam Định đã làm rõ hành vi phạm tội của một đối tượng mua, bán trái phép hơn 18.000 tài khoản ngân hàng.

Trước đó, hồi tháng 5/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an thành phố Đồng Xoài xác lập và đấu tranh thành công chuyên án triệt phá nhóm đối tượng “thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” trên địa bàn tỉnh. Qua công tác đấu tranh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã xác định được các đối tượng trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến nay, đã thu thập, mua bán hơn 300 tài khoản ngân hàng của nhiều người trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh thành trong cả nước, sau đó bán lại cho các đối tượng khác.

Hay mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và đấu tranh với băng nhóm tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và rửa tiền có tổ chức, xuyên quốc gia với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng. Với số tiền vài trăm nghìn đồng chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking. Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm những người có cùng tên với tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có thể xâm nhập thẳng vào các tài khoản facebook, hoặc gửi các đường link ở trên mạng xã hội để cài cắm các mã độc. Thậm chí gửi các mail chứa các đường link dẫn đến các web nhằm mục đích cướp tài khoản.

Cụ thể, có thể kể đến các thủ đoạn như: Các đối tượng lừa đảo thường tìm các tài khoản ngân hàng có sẵn trên các diễn đàn hoặc thông qua các mạng xã hội trên các web chúng đăng tải trực tiếp, hoặc tìm kiếm những người sẵn sàng bán, hoặc cho thuê tài khoản của mình thực hiện giao dịch. Hoặc các đối tượng có thể thuê các tài khoản ngân hàng từ những người sở hữu với mục đích tạm thời thực hiện các giao dịch trên không gian mạng.

Người sở hữu tài khoản có thể không biết mục đích sử dụng thực sự tài khoản của mình. Thậm chí các đối tượng này còn tạo các tài khoản giả. Cụ thể, chúng lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân bị đánh cắp, các đối tượng lừa đảo có thể mở các tài khoản ngân hàng.

Những tài khoản này sau đó được sử dụng với các mục đích là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thủ đoạn khác là lợi dụng các tài khoản của người thân, bạn bè, lợi dụng sự quen biết hoặc giả danh nhân viên ngân hàng đang thực hiện chỉ tiêu mở tài khoản thẻ, cần số lượng lớn, đạt thành tích tốt. Do đó, mời gọi nhiều người đứng tên mở tài khoản.

Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.

Thêm vòng bảo mật cho các giao dịch của khách hàng

Để cảnh báo và ngăn chặn các loại hình tội phạm này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành trong việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận liên quan mở và sử dụng TKTT, yêu cầu các ngân hàng tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện các sai lệch thông tin định danh và dấu hiệu bất thường trong quá trình khách hàng mở và sử dụng TKTT bằng phương thức điện tử (eKYC).

Ngoài ra, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo toàn ngành về việc đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, ban hành các văn bản chỉ đạo về đảm bảo an ninh an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời ban hành các văn bản thông báo, cảnh báo, phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn gian lận trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng.

Mới đây, ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng TKTT tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), thay thế Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Việc ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN nhằm hướng dẫn việc mở, sử dụng TKTT trên cơ sở quy định tại Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành (Luật Căn cước năm 2023, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022,…), đồng thời chỉnh sửa một số quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), một số quy định mới tại Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, như sau:

Về hồ sơ mở TKTT tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Thông tư số 17/2024/TT-NHNN bổ sung giấy tờ tùy thân là: “Thẻ căn cước”, “Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02)” đối với công dân Việt Nam; “Giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định “hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực”, “danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02) (nếu có)” đối với người nước ngoài. Việc bổ sung các các giấy tờ nêu trên để phù hợp phù hợp với Luật Căn cước năm 2023, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 69/2024/NĐ-CP; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Về việc mở TKTT bằng phương tiện điện tử, Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ TKTT (đối với khách hàng là cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) với:

(i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc

(ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập). Quy định này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 06 và nhằm đảm bảo xác thực chủ TKTT (đối với khách hàng cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để mở TKTT.

Bổ sung quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở, sử dụng TKTT: Thông tư số 17/2024/TT-NHNN bổ sung quy định trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về quản lý rủi ro trong quá trình mở, sử dụng TKTT. Quy định nội bộ về quản lý rủi ro của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bao gồm một số nội dung như:

(i) Ban hành Bộ tiêu chí nhận diện dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật;

(ii) Quy định về phạm vi, hạn mức giao dịch theo các mức độ rủi ro phân theo đối tượng khách hàng; trong đó có quy định cụ thể biện pháp quản lý rủi ro với đối tượng khách hàng chưa đủ 18 tuổi,...);

(iii) Theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên TKTT đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng.... Việc bổ sung quy định này nhằm góp phần ngăn ngừa tội phạm, lừa đảo, gian lận, lợi dụng TKTT cho mục đích bất hợp pháp.

Về sử dụng TKTT: Thông tư số 17/2024/TT-NHNN bổ sung quy định chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên TKTT khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Quy định này được bổ sung trên cơ sở kết quả triển khai Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và nhằm mục tiêu hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng, lợi dụng TKTT cho các mục đích bất hợp pháp của các đối tượng dùng giấy tờ tùy thân giả để mở TKTT.

Về hiệu lực thi hành: Thông tư số 17/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Đối với một số quy định mới, để có thời gian cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức triển khai thực hiện và chỉnh sửa, cập nhật giải pháp công nghệ, tại Thông tư đã quy định hiệu lực đối với một số quy định mới như sau:

(i) Đối với quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục mở TKTT thực hiện theo quy định mới và việc áp dụng các quy định nội bộ về quản lý rủi ro trong mở và sử dụng TKTT, thực hiện từ ngày 1/10/2024.

(ii) Đối với quy định chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên TKTT khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức): Đối với khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 1/1/2025, đối với khách hàng tổ chức áp dụng từ ngày 1/7/2025. Riêng đối với các ngân hàng kiểm soát đặc biệt thời gian hiệu lực nội dung này đối với khách hàng cá nhân từ ngày 1/7/2025 và khách hàng tổ chức từ ngày 1/1/2026.

(iii) Đối với quy định theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng TKTT và thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân, thực hiện từ ngày 1/1/2025, riêng với các ngân hàng kiểm soát đặc biệt thực hiện từ ngày 1/7/2025.

Với Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, NHNN tiếp tục "xây" thêm một vòng bảo mật nữa để bảo vệ tài khoản của khách hàng khi đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tay để xử lý tài khoản "rác" vốn đang bị lợi dụng cho hoạt động lừa đảo. Phạm vi hoạt động của đối tượng lừa đảo bị thu hẹp khi loại bỏ tài khoản ngân hàng “rác”. Như vậy, những quy định mới tại Thông tư này sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong mở, sử dụng TKTT, hạn chế việc lợi dụng, sử dụng TKTT cho các mục đích bất hợp pháp.

Khách hàng cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân

Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, người dân cần có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình; không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân với bất kỳ ai, đặc biệt, qua số điện thoại, hoặc qua mạng xã hội. Người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo Nghị định 143/2021/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: phạt tiền 40-50 triệu đồng những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Người dùng có thể bị phạt tiền 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.

Chí Anh