Hoạt động ngân hàng

Sóc Trăng: Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Để tiếp tục tạo nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh huy động vốn, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Gia tăng huy động nguồn vốn

Đáng chú ý, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn được giao tăng trưởng hằng năm, đơn vị đã tham mưu kịp thời cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh giao chỉ tiêu đến các đơn vị để thực hiện.

Đồng thời, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, tập trung huy động các nguồn vốn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh rà soát các nguồn vốn nhàn rỗi từ các nguồn quỹ chưa sử dụng gửi vào NHCSXH.

Trên cơ sở đó, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã đã chủ động báo cáo, tham mưu Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện, thị xã giao chỉ tiêu huy động nguồn vốn đến các xã, phường, thị trấn để thực hiện; tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, vận động đến hộ dân, hội viên gửi tiền tại NHCSXH, đặc biệt là tại các điểm giao dịch xã.

Kết quả, qua phát động tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” đến nay số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ chức, cá nhân đạt trên 144 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động này và nguồn vốn NHCSXH giao đã cho vay hơn 52.000 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tham gia “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” tại NHCSXH là nơi có thể đảm bảo tuyệt đối an toàn với tài sản tích lũy của người gửi. Lãi suất tiền gửi tại NHCSXH được quy định ở mức tương đương với lãi suất của các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn trong cùng thời điểm.

Việc gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH như một nghĩa cử cao đẹp, phát huy tinh thần “tương thân tương ái” thông qua việc tạo thêm nguồn lực tín dụng chính sách, góp phần đồng hành với Nhà nước thực hiện công cuộc giảm nghèo, tăng thêm nguồn vốn để cho vay tới người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình này, đơn vị tập trung tăng cường huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân và phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao nhằm tạo nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

soc-trang-tang-cuong-huy-dong-nguon-luc-cho-tin-dung-chinh-sach.-2-.jpg
Sóc Trăng: Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh cho vay đúng đối tượng thụ hưởng

Với phương châm “không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống. Qua đó đã đóng góp tích cực trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Việt Chín, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm thông tin, đơn vị phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch được giao, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân. Phấn đấu nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% so với năm 2023; 100% các xã, phường có chất lượng tín dụng đạt loại tốt; hơn 95% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, dưới 5% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại khá và không phát sinh tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình hay yếu kém.

Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách xã hội của Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm cho vay các hộ nghèo, cận nghèo đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, ngay khi Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 11) được triển khai vào tháng 1/2022, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách cùng với các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền rộng rãi về nội dung Nghị quyết số 11 đến toàn thể nhân dân trên địa bàn biết và triển khai thực hiện công tác rà soát để đầu tư đúng mục đích, trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt là nguồn vốn hộ mới thoát nghèo và nguồn vốn giải quyết việc làm của Nghị quyết số 11 đã hỗ trợ rất tốt, rất kịp thời để góp phần khôi phục sản xuất sau dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ là chương trình có ý nghĩa to lớn, mang tính nhân văn. Từ khi nghị quyết được ban hành, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kế Sách đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát các đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất… Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Kế Sách đạt trên 535 tỷ đồng và 17.408 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, đã giải ngân theo Nghị quyết số 11 trên 63 tỷ đồng, với 1.248 hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 6,03%, hộ cận nghèo còn 11,15%.

Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách do Phòng Giao dịch NHCSXH Kế Sách thực hiện thời gian qua đã trở thành “điểm tựa” giúp người dân tạo sinh kế, củng cố, phát triển sản xuất. Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 11, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Kế Sách đã có điều kiện về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

ThS. Trần Trọng Triết