Cổ phiếu ngân hàng duy trì sức hút, VN-Index giữ vững mốc 1.290
Áp lực chốt lời trên diện rộng khiến thị trường phiên cuối tuần (ngày 27/9) giao dịch giằng co. Tuy nhiên, sức hút từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường giữ vững mốc 1.290 điểm.
Mở cửa phiên cuối tuần, sắc xanh vẫn được duy trì ở đầu phiên cùng lực cầu gia tăng tốt. Tuy nhiên, động lực nhanh chóng suy yếu với nguyên nhân chính là sự thiếu đồng thuận của các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường rung lắc, giằng co. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản vẫn là những gương mặt đóng góp chính cho điểm số chung.
Sang phiên chiều, áp lực chốt lời chiếm ưu thế khiến VN-Index tiếp tục ghi nhận diễn biến giằng co trồi sụt quanh tham chiếu đến hết phiên. Trong bối cảnh áp lực bán dâng cao khiến sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử. Cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục chứng tỏ vai trò nâng đỡ thị trường khi vẫn là động lực chính giúp thị trường khép lại phiên giao dịch cuối tuần trong trạng thái điều chỉnh nhẹ và giữ được mốc 1.290 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 13/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành dầu khí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành truyền thông,… Ở chiều ngược lại, ngân hàng là nhóm tăng mạnh nhất hôm nay.
Nhóm VN30 cân bằng với 11 mã tăng và 11 mã giảm, chỉ số VN30-Index kết phiên tăng gần 2 điểm nhờ động lực từ các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, tăng tốt nhất là STB tăng 2,6%, SHB tăng 2,3%, CTG và TPB tăng hơn 1,5%... Ở chiều ngược lại, VHM giảm sâu nhất khi mất 2,3% và là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung.
Thanh khoản duy trì khá tốt với giá trị giao dịch cả 3 sàn phiên hôm nay đạt khoảng 24.040 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng sang phiên thứ 4 liên tiếp với giá trị vào ròng đạt khoảng 228 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua các mã FPT, TPB, VNM.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 148 mã tăng và 288 mã giảm, VN-Index giảm 0,57 điểm (-0,04%), xuống 1.290,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 951 triệu đơn vị, giá trị đạt 21.563 tỷ đồng, không thay đổi nhiều về khối lượng và chỉ giảm 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 76 triệu đơn vị, giá trị 2.265,6 tỷ đồng.
Sàn HNX có 63 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 235,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 97,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.736 tỷ đồng, tăng 74% về khối lượng và 50% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.241 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 183 mã tăng và 167 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,40 điểm (+0,43%), lên 93,90 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 65 triệu đơn vị, giá trị 740 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 888 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm nhẹ, trong đó hợp đồng VN30F2410 giảm 0,9 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.355,5 điểm, khớp lệnh gần 223.510 đơn vị, khối lượng mở 55.910 đơn vị.
Tuần này, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch với những phiên tăng điểm ấn tượng sau phiên rung lắc đầu tuần. Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà tâm điểm là ngân hàng đã ghi nhận nhịp bứt phá tốt tạo động lực giúp thị trường hướng lên mốc 1.300. Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại mua ròng mạnh và giá trị tăng dần qua các phiên góp phần củng cố cho điểm số chung.
Thanh khoản tuần này cũng cải thiện đáng kể so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã có sự vận động tích cực hơn và diễn biến phân hóa cũng được thể hiện rõ nét hơn. Tuy nhiên, ở phiên cuối tuần, VN-Index có diễn biến rung lắc ở ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm.
CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường vẫn đang trong diễn biến ổn định và chưa có tín hiệu xấu nên nhà đầu tư chưa cần quá lo lắng.
VBSC tiếp tục duy trì khuyến nghị như những phiên gần đây về việc giữ tỷ trọng danh mục đối với cổ phiếu chưa có tín hiệu suy yếu và đang bước vào xu hướng tăng điểm thuộc các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Đối với các mã đã đạt mục tiêu và có tín hiệu điều chỉnh xuống đường MA20 thì nhà đầu tư cân nhắc hạ dần tỉ trọng và chốt lời. Ngoài ra, những nhịp rung lắc trong tuần tới là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn hoặc giải ngân mới cổ phiếu ở các vùng giá chiết khấu tốt đã có thời gian tích lũy từ khoảng một tháng trở lên và thu hút được dòng tiền như dầu khí, đầu tư công.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng, trong những phiên giao dịch tới, chỉ số cần một cây nến chỉ hướng cùng thanh khoản ủng hộ để bật lên trên ngưỡng 1.300, xác nhận đà tăng.