Nghiên cứu - Trao đổi

“Xanh hóa” năng lượng sản xuất: Doanh nghiệp có thể tự chủ đầu tư nhưng cần chính sách rõ ràng hơn

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

“Vấn đề tài chính để đầu tư vào năng lượng xanh, nhiều doanh nghiệp có thể tự chủ được, nhưng vấn đề là chính sách phải được khơi thông, phải rõ ràng và có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, không hẳn là hỗ trợ tài chính”, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group cho biết.

chu-tich-intech.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group

Trao đổi tại hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” diễn ra sáng 27/9, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho hay phát triển năng lượng xanh là xu hướng của toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực này với tiềm năng lớn. Đây cũng là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm nhằm thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này Chính phủ đang và sẽ có những hành động cùng các chính sách cụ thể.

Là một doanh nghiệp đang cung cấp các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi xanh đến các doanh nghiệp, Intech Group mong muốn có sự đồng hành, đoàn kết của các đối tác, doanh nghiệp để chia sẻ cơ hội, kinh nghiệm cùng xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời, cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Hiện nay nhiều đối tác xuất khẩu từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… đều rất quan tâm đến doanh nghiệp có sử dụng năng lượng sạch và luôn ưu tiên doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch để hợp tác.

Ông Thắng cũng đánh giá cao đề xuất nghiên cứu nâng tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà dư thừa lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc. Theo ông việc khuyến khích mua lại 20% điện dư thừa của các doanh nghiệp có điện mặt trời áp mái sẽ làm cho các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn và cũng giảm lãng phí cho các doanh nghiệp. Vấn đề chỉ là cần có quy định rõ ràng hơn về đấu nối vào hệ thống, nhất là các thủ tục phải đơn giản, ngắn gọn hơn.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù hiện nay công nghệ lưu trữ đang được các tập đoàn đầu tư rất mạnh và quan tâm phát triển, song chi phí vẫn còn cao. Do vậy, đây là bài toán khó khăn trong vấn đề đầu tư của các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh tay đầu tư. Nhưng tôi tin chỉ cần 1-3 năm nữa thôi là công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều và giúp chi phí giá thành đầu tư cho cái thiết bị lưu trữ giảm đi. Từ đó, đầu tư sẽ hiệu quả hơn và các doanh nghiệp sẽ mạnh tay đầu tư hơn.

Theo tính toán của Intech, nếu doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng tái tạo, ở miền Bắc sẽ mất khoảng 5 năm là hòa vốn, còn miền Nam, miền Trung, thì chỉ khoảng 4 năm. Trong tương lai khi công nghệ thay đổi giúp giảm chi phí đầu tư thì thời gian hoàn vốn còn nhanh hơn nữa.

“Chỉ có điều là các doanh nghiệp đang chưa thực sự hiểu câu chuyện này và chưa thực sự nắm bắt được. Nếu doanh nghiệp nắm bắt được bài toán tài chính thì khi chúng tôi tiếp cận đến doanh nghiệp nào, chúng tôi sẽ vạch rất rõ cái bài toán tài chính, thời điểm nào có thể hoàn vốn, thời điểm nào bắt đầu là có lợi nhuận từ việc đầu tư”, ông Thắng nói và cho biết thêm ngoài lợi ích về tài chính, doanh nghiệp cũng sẽ tạo được uy tín, thương hiệu tốt hơn khi sử dụng năng lượng xanh.

“Cũng là một doanh nghiệp tư nhân tôi nhận thấy vấn đề tài chính để đầu tư vào năng lượng xanh thì nhiều doanh nghiệp có thể tự chủ được, nhưng vấn đề là chính sách phải được khơi thông, phải rõ ràng và có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, không hẳn là hỗ trợ tài chính”, ông Thắng cho biết.

Ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy

Trong khi đó, ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển năng lượng xanh Intech (Intech Energy) cho biết, doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh đang gặp 3 khó khăn lớn. Thứ nhất khó khăn về vốn đầu tư. Thứ hai, yếu tố nhận thức của các cá nhân và tập thể, đặc biệt người đứng đầu công ty. Thứ ba, về khó khăn pháp lý, cần có những quy định rõ ràng hơn trong thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.

“Áp dụng sử dụng xanh hóa trong sản xuất giúp giảm phát thải ra môi trường. Xanh hóa năng lượng đem lại lợi ích lớn cho người dùng, doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thay đổi để thích nghi với xu hướng là điều cần thiết”, ông Trần Văn Nhơn nói.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Lý Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam cho rằng, giải pháp để các doanh nghiệp thực hiện việc xanh hóa năng lượng, đó là sử dụng năng lượng tái tạo hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái theo cơ chế DPPA, tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, cần lưu ý sử dụng tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh thay thế thiết bị tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Hoàng Hà