Tín dụng học sinh, sinh viên: Tiếp sức xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao quốc gia
Minh Ngọc•{Ngày xuất bản}
17 năm triển khai Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), đặc biệt, từ sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chương trình tín dụng đối với HSSV thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn, không chỉ hỗ trợ HSSV không phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế mà còn góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực địa phương
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024, tỉnh Hưng Yên được Quy hoạch 35 khu công nghiệp và 50 cụm công nghiệp. Tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng với gần 3.000 ha để sẵn sàng cho việc tiếp nhận các dự án đầu tư. Chính vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực đối với địa phương là rất cấp thiết.
Theo dự tính đến năm 2030, mỗi năm, tỉnh Hưng Yên có thêm khoảng 30.000 lao động có việc làm, trong đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra là trên 71% lao động qua đào tạo. “Vì vậy, bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách, bố trí nguồn lực để hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, thực hiện chủ trương không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho biết.
Kết quả chỉ riêng 10 năm trở lại đây, đã có hơn 6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, giúp các em có cơ hội học tập, phấn đấu cho tương lai, đồng thời đây cũng là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Hưng Yên trong hiện tại và tương lai.
Như trường hợp em Vũ Văn Anh, lớp 106214 Khoa Cơ khí Động lực của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, cư trú tại Thôn Hạ, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cuộc sống rất khó khăn khi nhà có 3 anh em đang tuổi ăn, tuổi học, trông cả vào việc cha mẹ đi làm thợ xây. Bà Lê Thị Nga, mẹ của Vũ Văn Anh cho biết, năm đầu tiên con đi học dù khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng gồng gánh lo cho con ăn học. Tuy nhiên, bước vào năm học thứ 2, bà Nga phát hiện mình bị bệnh tim nặng, chỉ tính riêng tiền thuốc mỗi tháng đã tiêu tốn khoảng 3,5 triệu đồng, chưa kể chi phí phẫu thuật.
“Lúc đó tôi rất hoang mang, không biết tương lai mình ra sao”, bà Nga tâm sự. Trước đây, cả hai vợ chồng đi làm được 550 nghìn đồng/ngày, làm đủ cả tháng cũng được 17 triệu đồng, nhưng khi bà Nga ốm, trông cả vào thu nhập của chồng là 12 triệu đồng, không đủ chi tiêu, thuốc thang. “Nếu không vay được nguồn vốn tín dụng HSSV, gia đình cũng không có nguồn thu nào thêm cho cháu đi học, chắc chắn cháu phải bỏ học”, bà Nga cho biết.
Cũng nhờ nguồn vốn vay HSSV, đến nay, Vũ Văn Anh đã bước vào năm học thứ 4. Gánh nặng chi phí tài chính cho con ăn học giảm giúp bà Nga dành dụm được tiền để phẫu thuật tim lần thứ nhất. Năm nay, con trai thứ hai của bà Nga cũng đỗ vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, còn bà thì đang gom góp có đủ tiền để làm phẫu thuật tim lần thứ hai vào tháng 10/2024. Nhiều người khuyên bà Nga cho con nghỉ học, đi làm đỡ đần cha mẹ, song bà nghĩ “đời mình đã khổ chỉ mong con mình sau này có tương lai tươi sáng hơn bố mẹ”. Vì vậy, bà Nga lại tiếp tục làm hồ sơ vay cho con thứ hai đi học. “Chúng tôi nghĩ, cố gắng tạo hết mọi điều kiện cho con đi học, mẹ bị bệnh nhưng không vì thế mà con phải nghỉ học. Tất cả là đều nhờ NHCSXH đã tạo điều kiện giúp cho gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay HSSV để các cháu có cơ hội học tập, tạo dựng tương lai”, bà Nga chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, sinh viên học tại trường đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, phần lớn là con em nông dân, điều kiện kinh tế gia đình nhiều em còn khó khăn, cần hỗ trợ tài chính để học tập. Chính vì vậy, ngay từ khi các em nhập trường, nhà trường đã phối hợp với NHCSXH tuyên truyền chương trình tín dụng HSSV, đồng thời, tạo điều kiện cấp giấy xác nhận học tập tại trường hằng năm để các em kịp thời vay vốn. Bình quân hằng năm có khoảng 450 - 500 sinh viên của nhà trường vay vốn HSSV để học tập.
Ông Nguyễn Minh Quý cũng cho biết, khóa 18 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có hai em là thành viên xuất sắc của đội tuyển Robocon giành giải Nhất và giải Nhì trong Chung kết cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam 2024 và một em đạt giải quốc gia trong kỳ thi Olympic Toán học sinh viên và học sinh toàn quốc cũng đang vay vốn HSSV để học tập. “Đây là minh chứng cho thấy chính sách cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn là quan trọng hỗ trợ không chỉ cho sinh viên mà cả nhà trường trong việc thực hiện chủ trương đào tạo sinh viên khoa học kỹ thuật có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu xã hội và định hướng phát triển công nghiệp của cả nước”, ông Quý chia sẻ.
Điều tra, khảo sát của nhà trường cho thấy, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên khi ra trường làm việc tại các sở, ngành, doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong tỉnh luôn được đánh giá cao. 60 - 70% có việc làm trong 3 tháng đầu tiên và tỉ lệ này lên tới hơn 90% sau một năm ra trường.
Động năng phát triển cho các địa phương
Hiệu ứng dòng chảy tín dụng chính sách càng thêm mạnh khi nhiều HSSV sau khi được vay vốn đi học và tốt nghiệp ra trường đã trở về nơi “chôn rau cắt rốn”, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc góp phần kiến thiết địa phương.
Như ở Thượng Nông, xã nghèo nhất của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nhờ có nguồn vốn tín dụng HSSV mà ông Lường Xuân Việt, dân tộc Tày, thôn Bản Khoan, xã vùng III Thượng Nông đã gồng gánh được 8 đứa con học hành đến nơi đến chốn. Trong đó, 5 người tốt nghiệp đại học, 1 người tốt nghiệp cao đẳng, 2 người tốt nghiệp trung cấp nghề. Đặc biệt, con gái ông là Lường Thị Oanh, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hiện đang công tác tại UBND xã Thượng Nông trên cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, đang hằng ngày cùng NHCSXH hỗ trợ bà con xã Thượng Nông tiếp cận tín dụng, phát triển kinh tế, gieo thêm niềm tin và hy vọng đổi đời cho những người dân vùng quê nghèo khó.
Đối với gia đình ông Vi Văn Tiên, dân tộc Nùng, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên thì niềm tự hào không chỉ là gia đình ông đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, hiện có 1 ha bưởi chuyển đổi từ trồng ngô cùng 1 mẫu ruộng và thu nhập làm công nhật những ngày nông nhàn đủ để gia đình ông có cuộc sống ổn định, mà hơn thế là 3 đứa con đều học đại học, tốt nghiệp ra trường, hiện tại đang tận lực đóng góp vào sự nghiệp trồng người và chăm sóc sức khỏe người dân Thái Nguyên.
Chị Vi Thị Phụng, con gái lớn của ông Tiên giờ đang là giáo viên Trường Tiểu học Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngày ấy nhà em thuần nông, công việc trong gia đình do em đỡ đần hết, nên khi nhận được giấy trúng tuyển Trường Cao đẳng Thái Nguyên, em đã rất lo lắng và có ý định nghỉ học để đỡ tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình. Nhờ có sự động viên của gia đình, em có suy nghĩ tích cực hơn về tương lai cho bản thân, gia đình và xã hội. Em quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo đưa con chữ, mang tương lai tri thức đến cho các em, cũng như mong muốn bản mình vươn lên thoát khỏi cuộc sống khó khăn và có thể giúp đỡ bố mẹ”. Ước mơ của chị Phụng giờ đã trở thành hiện thực. Bên mái ấm với người chồng cũng là đồng nghiệp và sự yêu thương của gia đình, chị Phụng càng có thêm động lực, niềm tin, ý chí mang những con chữ và tri thức thắp sáng tương lai cho các con em quê hương mình.
Đó chỉ là một vài nét sơ thảo về hiệu quả của việc triển khai chính sách tín dụng HSSV thời gian qua. Hiện nay, mức cho vay đối với HSSV được nâng lên, lãi suất cho vay của chương trình tín dụng HSSV được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với thực tế trong từng thời kỳ. Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, chính sách tín dụng đối với HSSV được áp dụng để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của HSSV trong thời gian theo học tại trường bao gồm: Tiền học phí, chi phí mua sắm sách, vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại. Đối tượng vay vốn được mở rộng đến các HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với NHCSXH và các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành làm việc với một số ngân hàng và tập đoàn kinh tế để trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến việc tham gia đóng góp nguồn vốn cho chương trình tín dụng HSSV. Các ngân hàng và tập đoàn kinh tế được tiếp xúc đều ủng hộ mục tiêu xã hội hóa nguồn vốn cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV và coi đây là trách nhiệm mà các đơn vị sẵn sàng gánh vác cùng Chính phủ trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Một số đơn vị như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB)... đã tham gia đầu tư trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, qua đó gián tiếp tạo nguồn vốn cho NHCSXH để thực hiện cho vay chương trình tín dụng HSSV.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NHCSXH trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; giải đáp kịp thời những ý kiến thắc mắc trong quá trình thực hiện của các địa phương, cơ sở đào tạo và đối tượng thụ hưởng... Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Qua 17 năm thực hiện chương trình tín dụng HSSV, đã có trên 3,9 triệu lượt HSSV được vay hơn 80 nghìn tỉ đồng để trang trải chi phí học tập. Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho HSSV nghèo mà còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia.
Chính sách cần bao quát và đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW nhận định: “Kết quả đạt được cho thấy, đây là một trong các chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường. Chính sách này đã giúp cho một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp có được sự bình đẳng về đào tạo, hỗ trợ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề, giúp họ có thể có một việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình”. Với ý nghĩa to lớn đó, chính sách tín dụng đối với HSSV đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đây cũng là thách thức mới cho các nhà làm chính sách cũng như NHCSXH trong việc tận dụng chương trình tín dụng HSSV đáp ứng yêu cầu mới và vận hội nước nhà.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tín dụng HSSV cũng cho thấy một số vấn đề cần được tháo gỡ. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, nhu cầu vay vốn của sinh viên không dừng lại ở việc chi trả chi phí học tập mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc học tập, nghiên cứu ở mức độ cao như máy tính cá nhân tốc độ cao...
Hiện nay, tại một số địa phương, việc triển khai rà soát, xác định thu nhập của hộ gia đình có mức sống trung bình theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 -2025; Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18/7/2021 của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo thực hiện chưa kịp thời, các hộ dân mặc dù đã được tuyên truyền nhưng chưa chủ động, chưa mạnh dạn đề nghị chính quyền điều tra, xác nhận là hộ có mức sống trung bình để được vay vốn. Do đó, nhiều hộ chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng HSSV.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường để triển khai thực hiện chương trình tín dụng HSSV, nắm bắt tình hình HSSV vay vốn, phối hợp quản lý việc sử dụng nguồn vốn vay; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể HSSV về ý nghĩa, mục đích của chương trình, nhắc nhở HSSV được vay vốn khi tốt nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ cho NHCSXH và yêu cầu sinh viên ký cam kết trả nợ trước khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đề xuất với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhu cầu vay vốn của HSSV, xây dựng các gói vay phù hợp với nhu cầu của HSSV; bảo đảm mức vay vốn đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, đủ để trang trải các chi phí học tập, đặc biệt tại các thành phố lớn. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong đó, có thể xây dựng, hình thành các Quỹ cộng đồng để giúp sinh viên tốt nghiệp có thể vay vốn phát triển các dự án khởi nghiệp.