Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Nắn dòng tín dụng xanh đến các 'mầm xanh' kinh tế

Thái Hà {Ngày xuất bản}

Dù đã được khuyến khích và triển khai từ nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng khi chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), nơi rất cần sự hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi xanh và bền vững.

Phát biểu tại một sự kiện gần đây, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng Chính sách (Ngân hàng Nhà nước) ví von: “Tín dụng xanh là “mạch máu” nuôi dưỡng các “mầm xanh” của nền kinh tế”, qua đó nhấn mạnh vai trò thiết yếu của công cụ tài chính này trong việc triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Phép so sánh đầy sinh động trên cũng mở ra nhiều liên tưởng về tình hình lưu thông của dòng vốn tín dụng xanh tới các “tế bào” doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tại một quốc gia mà 98% khu vực tư nhân là SMEs, việc tín dụng xanh chưa thể lan tỏa một cách rộng rãi đến các “tế bào” này đang là nguyên nhân khiến cho những “mầm xanh” của nền kinh tế chưa thể “đâm chồi nảy lộc” như kỳ vọng.

Dù đã được khuyến khích và triển khai từ nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng khi chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), nơi rất cần sự hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi xanh và bền vững.

Nước chảy chỗ trũng

Từ góc độ tài chính, tín dụng xanh được hiểu là những khoản vay mà các tổ chức tín dụng cấp cho các dự án sản xuất, kinh doanh không/ít gây rủi ro tới môi trường, góp phần giảm khí thải nhà kính và những biến động bất thường của khí hậu. Nguồn vốn từ tín dụng xanh giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, giảm chi phí giá thành, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Xác định tầm quan trọng của công cụ tài chính này, những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh. Nhờ vậy, nếu như năm 2015, tổng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới chỉ đạt hơn 71.000 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng dư nợ toàn nền kinh tế thì đến ngày 31/3/2024, con số này đã tăng gấp gần 9 lần, đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu như năm 2017, chỉ có 15 tổ chức tín dụng báo cáo về mức tín dụng xanh với quy mô khiêm tốn, thì đến cuối năm 2023, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.

Mặt khác, tín dụng xanh cũng đang trở thành động lực cạnh tranh mới của các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Về phía ngân hàng thương mại trong nước, có thể kể đến những cái tên nổi bật như MB (dẫn đầu về tỷ trọng dư nợ tài trợ cho các dự án xanh với tổng quy mô vốn đã giải ngân đến năm 2023 là 55.000 tỷ đồng), BIDV (tài trợ cho trên 1.500 khách hàng với 1.900 dự án, phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 73.000 tỷ đồng), Vietcombank, Sacombank, VPBank, ACB, HD Bank,…

Bên cạnh các nhà băng nội địa, các ngân hàng nước ngoài cũng đã dành ngân sách lớn để hỗ trợ các dự án xanh của doanh nghiệp. Trong đó, HSBC đặt mục tiêu hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030; Standard Chartered cam kết tài trợ cho 3 doanh nghiệp Việt Nam với tổng giá trị 8,5 tỷ USD; UOB đã cấp tín dụng cho 17 dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cùng với 7 dự án công nghiệp xanh tại Việt Nam.

Dù đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng quan tâm nhưng trên thực tế, số lượng và giá trị các khoản tín dụng xanh dành cho SMEs vẫn còn hạn chế. Bằng chứng rõ ràng nhất là mặc dù tổng dư nợ tín dụng ngân hàng đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng đối với nhóm SMEs, tỷ lệ cho vay tín dụng xanh nhìn chung không đáng kể. Thống kê từ IFC cho thấy, chỉ có 30% SMEs tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng, khoảng 70% còn lại khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng. Đối với tín dụng xanh, khả năng tiếp cận rất kém.

Quan sát một vòng thị trường, nguồn vốn tín dụng xanh của các ngân hàng chủ yếu chảy vào túi các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp lớn. Điển hình là trường hợp của Nhựa Duy Tân, Vingroup và REE, nơi HSBC rót vốn để thúc đẩy các dự án xanh quy mô lớn. Hay như Leo Việt Nam – doanh nghiệp giấy được Standard Chartered tài trợ, cũng như Betrimex – nhà sản xuất các sản phẩm từ dừa vừa được UOB cấp tín dụng, nếu xét về quy mô vốn và doanh thu, cũng là các doanh nghiệp lớn trong nhóm SMEs.

“Nước chảy chỗ trũng” vốn dĩ là một quy luật tự nhiên, nhưng trong thị trường tài chính, sự lưu thông của dòng vốn tín dụng xanh lại không đơn giản như vậy. Chiếm tới 98% trong tổng số 920.000 doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp tới hơn 40% GDP, theo lý thuyết, các SMEs lẽ ra phải là đối tượng thụ hưởng chính của các gói vay tín dụng xanh từ ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam. Thế nhưng, việc nhóm này không được hưởng lợi tương xứng từ nguồn vốn tín dụng xanh, nói theo cách ví von của ông Trần Anh Quý, chính là nguyên nhân khiến “sắc xanh” chưa thể lan tỏa trong nền kinh tế.

Việc nhóm SME không được hưởng lợi tương xứng từ nguồn vốn tín dụng xanh là nguyên nhân khiến “sắc xanh” chưa thể lan tỏa trong nền kinh tế.

“Nắn” dòng tín dụng xanh, cách nào?

Để khơi thông dòng vốn tín dụng xanh đến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), cần xác định rõ nguyên nhân khiến nguồn vốn này chưa thể lan tỏa rộng rãi.

Liên quan đến vấn đề này, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho hay, mặc dù ngân hàng đã hạ lãi suất song cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nhóm SMEs nói riêng vẫn đang bị “bủa vây” bởi không ít khó khăn sau một thời gian dài “chống chọi” với đại dịch COVID-19 cũng như những bất ổn địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, những điều kiện cho vay từ phía ngân hàng bao tài sản thế chấp, chứng minh được khả năng tài chính và dòng tiền trong 3 năm gần nhất là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vân Thân cũng thừa nhận, sự yếu kém trong công khai, minh bạch tài chính và kế hoạch kinh doanh khi phần đông SMEs là một trong những rào cản khiến cho “tiếp cận tín dụng kinh doanh thông thường đã khó, việc tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư cho chuyển đổi xanh lại càng khó hơn”. Trên thực tế, nhóm này thường kinh doanh “hai sổ sách” và không chú trọng đến việc xây dựng tín nhiệm bền vững với các ngân hàng.

Đây cũng là vấn đề được hầu hết nhà băng đề cập. Hạn chế rõ ràng về sự minh bạch ở các SMEs gây khó khăn cho việc đánh giá tình trạng tài chính và thẩm định hồ sơ cho vay khiến cho dòng vốn tín dụng xanh vẫn còn “ách tắc”. Còn về thủ tục cấp vốn, nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, mặc dù hiểu rõ những khó khăn riêng của doanh nghiệp nhưng ngân hàng cũng không thể vì thế nới lỏng chính sách, thủ tục cho vay. Bởi lẽ, bản thân họ cũng cần đảm bảo duy trì an toàn hoạt động tín dụng, cần thu hồi vốn và hạn chế tối đa nợ xấu. Nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không thể trả gốc và lãi vay, ngân hàng sẽ là bên chịu rủi ro, không thể thu hồi lại được tiền.

Báo cáo của MISA Lending chỉ ra rằng, tài chính xanh đang tăng trưởng rõ nét với 80% tổ chức tín dụng tham gia vào lĩnh vực này nhưng chỉ có 13,1% xây dựng được quy trình bảo lãnh cho các khoản vay xanh cũng là một trong những nguyên nhân khiến quá trình vay vốn để đầu tư cho phát triển bền vững của các SMEs gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan cũng xuất phát từ việc các quy định và định nghĩa liên quan đến danh mục ngành, lĩnh vực xanh tại Việt Nam vẫn chưa được thống nhất; hệ thống thể chế và khung pháp lý cho tăng trưởng xanh thiếu tính đồng bộ và liên kết. Mặc dù đã có những văn bản và chiến lược về tăng trưởng xanh, nhưng vẫn thiếu các quy định và chính sách cụ thể dành riêng cho khu vực SMEs. Các tiêu chí về tăng trưởng xanh hiện nay còn chung chung và chưa được phân cấp theo quy mô doanh nghiệp hoặc khu vực sản xuất vừa khiến các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc chuyển đổi xanh, vừa hạn chế năng lực của các tổ chức tín dụng trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới.

Để khắc phục những vấn đề nêu trên, các chuyên gia đồng thuận rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Mặt khác, điều này cũng giúp các SMEs có định hướng phát triển rõ ràng để tiếp cận được nguồn vốn vay cả trong nước và quốc tế. Đây là một quá trình cần thời gian và nỗ lực từ nhiều phía, nhưng với sự quyết tâm và các biện pháp cụ thể, tín dụng xanh có thể trở thành một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và xanh cho nền kinh tế Việt Nam.

Một trong những bước quan trọng khác là nâng cao tính minh bạch và chất lượng hồ sơ vay của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thuyết phục và chứng minh cho ngân hàng thấy được năng lực và cơ hội kinh doanh của mình. Việc này đòi hỏi họ chủ động tìm kiếm các phương thức kinh doanh hiệu quả hơn, đồng thời tìm kiếm nguồn vốn và nâng cao thực hành phát triển bền vững.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo các SMEs nên xem xét đạt được các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình. Ví dụ, các doanh nghiệp dệt may có thể cần đạt chứng chỉ tiêu chuẩn tái chế toàn cầu, trong khi các doanh nghiệp nông nghiệp nên có chứng chỉ GlobalGap. Những doanh nghiệp sở hữu các chứng chỉ này có khả năng được ngân hàng xem xét lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp không có chứng chỉ về phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ về các tiêu chuẩn và quy định của tín dụng xanh là điều hết sức cần thiết. Các chương trình đào tạo và tư vấn từ các tổ chức tài chính, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức liên quan, sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách thực hiện các dự án xanh và tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả.

Về phía ngân hàng, các chuyên gia khuyến nghị cần nỗ lực để hiểu rõ hơn nhu cầu và tiềm năng xanh của các SMEs. Việc điều chỉnh các tiêu chuẩn cho vay để phù hợp hơn với khả năng của họ cũng là điều quan trọng. Ngoài ra, giảm bớt thủ tục hành chính và cung cấp các gói tín dụng linh hoạt sẽ giúp các SMEs dễ dàng tiếp cận vốn xanh hơn.

Thái Hà