Hoạt động ngân hàng

An Giang: Ngân hàng “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế số. Sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt luôn song hành chung với sự phát triển của toàn xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, với mục tiêu lấy khách hàng là trung tâm, ngành Ngân hàng An Giang đã không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, xác định thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung quan trọng trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thời gian qua đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng An Giang thực hiện chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đã mang lại kết quả tích cực, với sự gia tăng nhanh về số lượng giao dịch qua các ứng dụng di động, ví điện tử và Internet - Banking. Các ngân hàng đã phát triển nhiều nền tảng thanh toán điện tử, giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền mặt và tăng cường tính minh bạch.

Đặc biệt, các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt; đặc biệt trong các cơ quan thực hiện dịch vụ công, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

z5884074320659_9d393ead2205e8700b0beba29cdd4e65.jpg
An Giang: Ngân hàng “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt

Bên cạnh đó, để tăng cường tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang còn phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và VNPT tỉnh tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về thanh toán không dùng tiền mặt” trong người dân và đoàn viên thanh niên dưới hình thức thi trực tuyến. Cuộc thi đã diễn ra thành công tốt đẹp đã thu hút hơn 3.000 lượt đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia với mục đích tăng cường truyền thông, nâng cao kiến thức về tài chính ngân hàng và dịch vụ ngân hàng trong đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn, đặc biệt về thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành theo Kế hoạch 298/KH-UBND góp phần đạt mục tiêu chuyển đổi số của địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cùng với các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề và Ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động, nâng cao nhận thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở An Giang tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử tiếp tục được coi trọng và tăng cường.

Quy mô mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại đã nỗ lực cố gắng trang bị bao phủ hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) đến trung tâm huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn có 281 máy rút tiền ATM, tăng 9 máy so với 2023 và 1.212 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS).

Các ngân hàng thương mại thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, nhanh chóng giải quyết những thắc mắc khách hàng.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt tại 13 chợ ở các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, phát triển 1.500 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Phối hợp Petrolimex và PVOil An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống 60/65 cửa hàng xăng dầu của 2 đơn vị. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà phê, tiệm vàng, khu du lịch, spa, bệnh viện…

Đến nay đã triển khai hơn 500 đơn vị chấp nhận thẻ Agribank An Giang, BIDV An Giang, VietinBank An Giang, Sacombank An Giang, TPBank An Giang, NamABank An Giang nhằm tạo chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của người dân trên địa bàn.

Phối hợp các siêu thị triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống siêu thị với giải pháp thanh toán bằng thẻ ATM, chuyển khoản hoặc mã QR, được siêu thị bố trí để khách hàng có thể tự trả tiền…

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn thực hiện tốt việc triển khai cho người nộp thuế khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử trên địa bàn; triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong hệ thống bệnh viện, nhằm giúp bệnh nhân thuận lợi trong thanh toán viện phí, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; triển khai thanh toán học phí cho một số trường học...

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, tăng cường kết nối thanh toán với các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Đến cuối tháng 9/2024, An Giang có hơn 1.962.284 người dân có số tài khoản tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng 272.136 tài khoản, tăng 16,10% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động thanh toán qua Internet-Banking đạt doanh số chuyển tiền đi là 240.324,63 tỷ đồng với 13,88 triệu món và doanh số chuyển tiền đến đạt 25.810,78 tỷ đồng với 1,57 triệu món; qua ví điện tử đạt 180,05 tỷ đồng, tương ứng 423.599 món doanh số chuyển tiền đi là 278,02 tỷ đồng, tương ứng 280.324 món doanh số chuyển tiền đến. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần thích ứng chấp nhận với việc sử dụng công nghệ số ứng dụng trong thanh toán điện tử, góp phần thực hiện tốt Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

ThS. Trần Trọng Triết