Doanh nghiệp

Hạ tầng Gelex sắp “bỏ túi” hơn 280 tỷ đồng cổ tức từ Viglacera

Hoàng Hà {Ngày xuất bản}

Với việc nắm 50,21% vốn tại Viglacera, Công ty CP Hạ tầng Gelex có thể thu về hơn 281 tỷ đồng tiền cổ tức từ Viglacera trong đợt chia cổ tức vào tháng 11 tới đây.

vgc1.jpeg

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) vừa công bố chốt ngày 22/10 là ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông nhận phần cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 12,5% (1.250 đồng/cổ đông). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/10. Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 14/11.

Với hơn 448 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Viglacera dự kiến chi ra hơn 560 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông trong đợt này.

Trong cơ cấu cổ đông của Viglacera, công ty mẹ là Công ty CP Hạ tầng Gelex đang sở hữu 50,21% vốn, tương đương với số tiền cổ tức nhận được trên 281 tỷ đồng. Công ty CP Hạ tầng Gelex là công ty con do Tập đoàn Gelex (mã GEX) nắm giữ trực tiếp 82,65% vốn. Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu gián tiếp 14,06% của Hạ tầng Gelex thông qua một công ty con khác là Công ty CP Điện lực Gelex.

Bên cạnh Hạ tầng Gelex, Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu 38,58% vốn tại Viglacera dự kiến cũng srx “bỏ túi” hơn 216 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, cổ đông của Viglacera đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 22,5% (tăng 2,5% so với tỷ lệ được thông qua tại đại hội trước đó). Cuối tháng 10/2023, công ty đã tạm ứng hơn 448 tỷ đồng để trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10%. Như vậy, với việc hoàn tất đợt chia cổ tức vào tháng 11 tới, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Cũng tại đại hội này, Viglacera đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng số tiền chi ra là gần 897 tỷ đồng.

Viglacera là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Năm 2022, công ty cũng trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%, trong khi 2020-2021, tỷ lệ chia cổ tức lần lượt là 11% và 15%.

Việc chia cổ tức đều đặn cho cổ đông được duy trì trên cơ sở hoạt động kinh doanh của Viglacera vẫn có lãi lớn hằng năm. Trong 3 năm gần nhất công ty đều ghi nhận mức lãi cả nghìn tỷ đồng, trong đó, năm 2022 công ty lãi sau thuế kỷ lục 1.913 tỷ đồng, trước khi giảm về mức 1.162 tỷ đồng trong năm 2023.

Năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất 13.353 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với kết quả thực hiện năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng, giảm 31% so với năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận 5.351 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 575 tỷ đồng và 408 tỷ đồng, tương ứng giảm 44% và 47% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Theo giải trình của Viglacera, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm chủ yếu do doanh thu của mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhóm kính vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Viglacera ở mức 23.641 tỷ đồng, giảm 2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi giảm gần 25%, còn 1.863 tỷ đồng; chi phí rót vào các dự án dang dở và hàng tồn kho ở mức hơn 11.440 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tới cuối quý II/2024, nợ phải trả của Viglacera là 13.898 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay tài chính là hơn 5.144 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu kỳ, bao gồm hơn 2.767 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 2.376 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Hoàng Hà