Hoạt động ngân hàng

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại TP. Cần Thơ: Lấy khách hàng làm trọng tâm

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ thông tin, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ đã tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0, triển khai các công việc ban đầu để phát triển ngân hàng số, thực hiện chuyển đổi số.

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Cần Thơ đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng, như: xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động... mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.

Đồng thời hợp tác với doanh nghiệp Fintech để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán,… qua đó cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán hằng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền,...), gửi tiền tiết kiệm trực tuyến, đầu tư tài chính,… từ điện thoại, máy tính có kết nối Internet mà không cần đến phòng giao dịch ngân hàng; tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.

tai-sao-can-chuyen-doi-so-trong-nganh-ngan-hang.png

Nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt hoạt động, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ngân hàng, nhiệm vụ đặt ra với ngành Ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ là xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng và phát triển ngân hàng số. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, đảm bảo an toàn, bảo mật, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, với phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”, hạn chế tối đa lỗi hệ thống, đặc biệt là các hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán điện tử. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi số và ngân hàng số với lộ trình, bước đi phù hợp.

Cùng với dòng chảy công nghệ, trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt cùng nhiều dịch vụ tài chính số tiện ích nhất đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Đồng hành với toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố, Agribank đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ, chức năng, tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử E-Banking của Agribank sau khi đưa vào triển khai ứng dụng được đông đảo khách hàng tin dùng như: Mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán bằng mã VietQR, ATM đa chức năng (CDM) với chức năng nạp tiền tự động và gửi tiền trực tuyến, mô hình Ngân hàng số Agribank Digital, chức năng rút tiền bằng QRCode…

Nhận thức rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Agribank đều dành ngân sách lớn trong đầu tư xây dựng, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo vận hành cho bình quân hàng triệu giao dịch mỗi ngày, trong đó giao dịch tự động chiếm tới 91,97% tổng số giao dịch.

Đến nay, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp - nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân tại cả khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Trong chiến lược số hóa nông thôn, Agribank đặt mục tiêu sử dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, giúp người dân dễ dàng tiếp cận từ những dịch vụ cơ bản nhất. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Agribank lên kế hoạch triển khai lắp đặt theo lộ trình máy giao dịch ngân hàng tự động Agribank Digital tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những nơi bị hạn chế về khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính thông thường để người dân có thể sử dụng tiện ích ngân hàng số cho các hoạt động dịch vụ công cũng như giao dịch thường nhật.

Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN để gia tăng bảo mật, giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch thanh toán của khách hàng

Với yêu cầu của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7/2024, Agribank đã chính thức triển khai thực hiện công tác thu thập sinh trắc học đối với khách hàng trên toàn hệ thống, chủ động triển khai nhiều kênh, nhiều phương thức để hỗ trợ khách hàng đăng ký. Đặc biệt, với đặc thù lượng khách hàng lớn trên khắp vùng miền, đặc biệt là khu vưc nông thôn, vùng sâu, vùng xa, số khách hàng sử dụng điện thoại thông minh còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai thu thập sinh trắc học gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Agribank đã ưu tiên tăng cường các nguồn lực để thực hiện thu thập sinh trắc học trên cả 2 kênh: Kênh điện tử và kênh tại quầy trên toàn quốc.

Với những nỗ lực, cố gắng đó, Agribank đã góp phần là cầu nối, giúp người dân hiểu và nâng cao kiến thức về các dịch vụ ngân hàng số nói riêng, cũng như dịch vụ ngân hàng tài chính nói chung.

Trong quá trình chuyển đổi số, người dân cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, nhất là cảnh giác và tránh bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhiều về số vụ, số tiền gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Trước tình hình trên, khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp để phòng tránh tội phạm như bảo vệ thông tin cá nhân, không kết bạn zalo, facebook... với những người lạ mặt không quen biết. Không công khai các thông tin như ngày, tháng, năm sinh, số căn cước, tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội để tránh các đối tượng khai thác sử dụng. Không tham gia các trò chơi khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…; không tham gia chơi tiền ảo, vay các tổ chức tín dụng đen, vay qua App, vay không cần thế chấp theo tờ quảng cáo trên các trang mạng hoặc các tờ rơi phát tán nơi công cộng.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản xã hội và cần bảo mật tuyệt đối các thông tin tài khoản trên. Nâng cao tinh thần cảnh giác với các trường hợp gọi điện giả danh cơ quan nhà nước, người thân ở nước ngoài, trúng thưởng, giới thiệu việc làm ổn định lương cao, yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Trước khi thực hiện chuyển tiền cần phải xác minh người thân. Người dân cần trình báo cho cơ quan công an gần nhất khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ của các cơ quan nhà nước như công an, tòa án, viện kiểm sát... để thông báo đe dọa mình có liên quan đến các vụ án, vụ việc hoặc hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử để yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo VNeID từ các nguồn không chính thống...

ThS. Trần Trọng Triết