Các Hiệp hội ngành, nghề

Ba yếu tố tác động khiến giá lúa gạo giảm

Nguyễn Huyền {Ngày xuất bản}

Từ khi Ấn Độ quyết định đưa thuế xuất khẩu gạo non-basmati về 0%, giá lúa gạo Việt Nam có biến động giảm. Giá giảm do tác động tâm lý, đặc biệt là tâm lý của bên bán và bên mua.

fb_img_1726638532739.jpg
Ảnh minh họa

Giá lúa gạo trong nước giảm phần lớn do tác động tâm lý

Ngày 28/9/2024, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm toàn diện đối với xuất khẩu gạo non-basmati (gạo trắng thường) ra nước ngoài và áp giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) là 490 USD/tấn. Các thương nhân bán gạo tại cảng Ấn Độ không được dưới 490 USD/tấn, so với mức giá trước khi tạm ngừng xuất khẩu là cao hơn khá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành 4 cho biết, Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo trắng thường tuy có ảnh hưởng đến gạo Việt Nam, nhưng so với mặt bằng chung cũng chưa sụt nhiều.

Từ trước đến nay giá gạo Việt Nam tương đối cao, đặc biệt, đối với các loại gạo thơm có sản lượng lớn như OM18, DT8 và OM5451, … xuất đi các thị trường chính, như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia và Trung Đông … không giảm nhiều, khoảng 10 - 20 USD/tấn so với cách đây hai tuần nhưng giao dịch hơi chậm lại. Lượng lúa gạo trong nước không còn nhiều giá lúa gạo có sụt cũng không thiệt hại gì nhiều.

Ông Thành cho rằng có 3 yếu tố tác động lên giá gạo trên thị trường:

Thứ nhất, bão số 3 và số 4 xảy ra liên tục, mưa giông kéo dài khoảng 15 ngày, làm cây lúa bị đổ ngã, ngập trong nước mưa nên chất lượng kém, khiến giá lúa giảm từ 300 - 700 đồng/kg (tùy thuộc chất lượng). Đối với gạo, giảm từ 300 - 500 đồng/kg (tùy chất lượng và tùy loại gạo).

Thứ hai, Ấn Độ mở cửa lại thị trường ảnh hưởng đến tâm lý người bán lẫn người mua. Động thái của người mua là “chờ” diễn biến tiếp theo của thị trường như thế nào.

Thứ ba, truyền thông quốc tế trong những ngày qua đề cập quá nhiều về việc Ấn Độ cho xuất khẩu lại gạo trắng thường là yếu tố lớn nhất tác động đến thị trường, gây tâm lý hoang mang lên người mua lẫn người bán.

“Thời gian này sẽ có một số doanh nghiệp bị tác động tâm lý nên hạ giá và các nhà nhập khẩu sẽ thông tin cho nhau, khi đàm phán với công ty B nếu thấy giá còn cao họ sẽ nói công ty A đã hạ giá và đề nghị công ty B cũng hạ giá theo nếu không họ sẽ không mua, làm cho tiến độ mua hàng sẽ chậm lại.

Ấn Độ cho xuất khẩu lại nhưng có kiểm soát và họ sẽ không để giá gạo tăng quá hoặc giảm quá. Mặt khác, không phải thị trường nào cũng thích gạo Ấn, chỉ có một số thị trường ở châu Phi, Indonesia … thích ăn gạo cũ khô cơm thì chọn gạo Ấn”, ông Thành nói.

Vụ Thu Đông, do năm nay nước đổ về đồng bằng sông Cửu Long nhiều, nhiều địa phương cho nước vào ruộng lấy phù sa và diệt sâu bệnh không xuống giống vụ lúa này. Vì vậy, diện tích vụ Thu Đông vốn đã thấp năm nay sẽ càng thấp hơn.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 26/09/2024, vụ Hè Thu 2024 thu hoạch được 1,362 triệu ha/1,48 triệu ha. Vụ Thu Đông 2024 xuống giống được 675 ngàn ha/700 ngàn ha diện tích kế hoạch, bắt đầu thu hoạch được 88 ngàn ha.

Giám đốc Công ty Phước Thành 4 cho biết thêm, lượng lúa gạo trong nước hiện không còn nhiều. Ấn Độ cho xuất khẩu lại gạo trắng thường ngay lúc này có thể nói là “may mắn” cho Việt Nam, nếu họ chờ đến vụ Đông Xuân - vụ lúa chính trong năm có sản lượng lớn và đang thu hoạch mà mở cửa lại thị trường, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến giá lúa gạo nhiều hơn.

“Gạo Việt Nam có nhiều ưu thế so với các nước xuất khẩu khác, đó là sản xuất liên vụ chất lượng gạo luôn tươi mới, dẽo thơm. Cùng Với ưu thế về chế biến, giao hàng nhanh và chuyên nghiệp đến các thị trường nhập khẩu nhờ khoảng cách địa lý gần, cước tàu rẻ, mua bán thoải mái, thanh toán dễ dàng. Mua gạo Ấn vận chuyển rất xa, chế biến kém, chất lượng gạo thấp và xuất hàng cũng không bằng Việt Nam”, ông Thành nói.

Thương nhân Philippines sẽ nhập khẩu từ những người bán tin cậy

Philippines là thị trường truyền thống lâu năm của Việt Nam, có thể giá gạo bán vào đây sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng tâm lý của thương nhân Philippines và khách hàng khác sẽ dừng lại để nghe ngóng thị trường để có cơ sở ký hợp đồng mới. Hiện phần lớn doanh nghiệp chỉ trả các hợp đồng cũ và bán một số loại gạo đặc sản, gạo cao cấp đi Trung Quốc, Trung Đông...

Theo một số nhà phân tích, các nhà nhập khẩu dự kiến ​​sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung của Việt Nam ngay cả sau khi Ấn Độ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu gạo trắng,

Ông Fermin D. Adriano, Cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, các thương nhân Việt Nam dự kiến ​​sẽ cạnh tranh với giá xuất khẩu thấp của Ấn Độ, đẩy giá xuống thấp hơn.

Việt Nam là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines, cả hai chính phủ đã ký một thỏa thuận cung cấp gạo vào tháng 1/2024, trao cho Philippines hạn ngạch từ 1,5 - 2 triệu tấn gạo/năm, có thời hạn 5 năm.

“Nếu điều đó xảy ra, các thương nhân Philippines sẽ nhập khẩu từ những người bán đáng tin cậy, quen thuộc Việt Nam, thay vì mua từ Ấn Độ vì họ không quen với những nhà xuất khẩu ở đó”, ông Adriano nói.

Giám đốc quốc gia Liên đoàn Nông dân Tự do Raul Q. Montemayor cho rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu có thể làm tăng nguồn cung chung trên thị trường gạo toàn cầu và dẫn đến giá gạo quốc tế giảm xuống.

“Các nhà nhập khẩu Philippines không ủng hộ gạo Ấn Độ mặc dù giá thấp, vì lo ngại chất lượng và độ tin cậy. Trước đây, họ gạo nhập khẩu từ Pakistan nhiều hơn từ Ấn Độ, ông Montemayor nói.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết nhập khẩu gạo của Philippines dự kiến ​​sẽ đạt 4,6 triệu tấn trong năm nay.

Nguyễn Huyền