Nhà ở xã hội xanh: Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và không làm tăng giá nhà
Xu hướng tất yếu hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội được yêu cầu tuân thủ các tiêu chí “xanh” cho công trình. Việc xây dựng nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà.
Đó là nhận định của bà Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh diễn ra sáng ngày 3/10.
Phát biểu tại sự kiện, bà Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh, ngành xây dựng đóng góp rất lớn vào lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng với hơn 30% lượng khí thải trên toàn cầu, là một tác nhân chính gây biến đổi khí hậu, dẫn đến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và giông bão mạnh, điển hình là cơn bão Yagi vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đến con người và nhà cửa của người dân các tỉnh phía Bắc.
“Nhà không chỉ là nơi che mưa che nắng, mà còn là nơi cư ngụ, để người dân tận hưởng cuộc sống. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam vẫn luôn quan tâm tới công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho các đối tượng yếu thế. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ đề ra các giải pháp để phát triển số lượng, mà còn quan tâm đến nâng cao chất lượng sống theo hướng phát triển không gian xanh, bền vững, phát thải thấp”, Viện trưởng chia sẻ.
Theo Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, xu hướng tất yếu hiện nay, việc xây dựng nhà ở xã hội được yêu cầu tuân thủ các tiêu chí “xanh” cho công trình. Việc xây dựng nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà không làm tăng giá nhà.
Đồng quan điểm, TS.KTS. Trịnh Hồng Việt - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng cho rằng, cần thực hành nhà ở xã hội xanh và tiết kiệm năng lượng bởi nhà ở xã hội xanh không chỉ giúp tạo lập cuộc sống tốt hơn cho cư dân là những người có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc giảm chi phí điện, nước, cải thiện sức khỏe, năng suất, giá trị bất động sản; đồng thời giảm phát thải khí CO2, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để phát triển công trình xanh, cần phải xây dựng rất nhiều các chỉ dẫn như định mức chi phí trần cho thực hành xanh; các chỉ dẫn về vận hành... cũng như đạt được các nhóm tiêu chí cơ bản của công trình xanh, chiều cao công trình, đảm bảo các yếu tố về tiết kiệm năng lượng.... Do vậy, với điều kiện thực tế nước ta hiện nay, TS.KTS. Trịnh Hồng Việt kiến nghị nên phát triển công trình nhà ở xã hội tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn trước mắt. Để thực hiện điều này, một trong những điều cần thiết là ban hành hướng dẫn xây dựng nhà ở xã hội tiết kiệm năng lượng.
Ở góc nhìn rộng hơn về chất lượng không gian sống và lợi ích môi trường, ThS Nguyễn Đức Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý, phát triển nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho rằng, trước mắt cần tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu và ban hành, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở đối với các thiết kế, kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới hướng tới nâng cao chất lượng ở, phù hợp với xu hướng phát triển nhà ở xanh, bền vững, thông minh, ứng dụng công nghệ số; đồng thời tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên quan đến việc áp dụng thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà ở. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với những khu dân cư hiện hữu của hộ gia đình, cá nhân gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Hai là, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xanh, tiết kiệm năng lượng và nhà ở phát thải thấp, ứng dụng công nghệ số. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về lợi ích từ các công trình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng để thu hút cũng như phát triển loại hình nhà ở này; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu và áp dụng các thiết kế, kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhà ở mới, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành xây dựng nhà ở, đồng thời sử dụng hiệu quả năng lượng và phát thải thấp.
Ba là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Nếu như trong vòng 10 năm qua, chỉ có gần 300 công trình được cấp chứng nhận, thì năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của số lượng công trình được cấp chứng nhận công trình xanh.
Theo thông tin từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), tính đến hết quý III/2024, Việt Nam đã có 514 công trình đạt công trình xanh. Tổng diện tích sàn của các công trình đạt 12,241 triệu m2 sàn.
Có khoảng 20 tỉnh, thành phố tập trung nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh như: TP. Hồ Chí Minh hơn 3,2 triệu m2; TP. Hà Nội hơn 2 triệu m2; Bình Dương gần 1,4 triệu m2; TP. Hải Phòng hơn 716 nghìn m2; Bắc Ninh hơn 705 nghìn m2; Hưng Yên hơn 435 nghìn m2; Đồng Nai hơn 328 nghìn m2; Hà Nam hơn 319 nghìn m2…