Tín dụng chính sách tạo cơ hội tiếp cận vốn bình đẳng cho người nghèo ở An Giang
Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực để phát triển nâng cao thu nhập cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, trong đó có giải pháp về tín dụng chính sách xã hội.
Nhớ lại những ngày tháng khó khăn trước đây, chị Trương Thị Lệ, ngụ ở ấp Long Tân, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vẫn không giấu được xúc động khi một mình nuôi 4 con nhỏ, nhà cửa không có, ăn thì bữa đói, bữa no...
“Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, tôi không có cơ hội để tự hào nói với mọi người rằng, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, chị Lệ nói.
Được biết, năm 2009, gia đình chị Lệ vay vốn chương trình hộ nghèo tại NHCSXH huyện với số tiền 20 triệu đồng để chăn nuôi heo. Công việc chăn nuôi thuận lợi. Khi heo lớn, xuất chuồng, chị Lệ trả nợ cho ngân hàng và sau khi cải tạo lại chuồng trại lại tiếp tục vay vốn NHCSXH để đầu tư mở rộng nuôi tiếp. Rồi các con lần lượt bước chân vào đại học, đứa lớn chưa kịp ra trường, thì đứa nhỏ thi đậu vào đại học, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Thật may mắn, chị Lệ được biết đến chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại NHCSXH. Không những một, mà cả 4 người con của chị được tạo điều kiện vay vốn đi học và đi xuất khẩu lao động.
“Ngày giải ngân cho tôi 100 triệu đồng vốn vay đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, cán bộ tín dụng nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: Em tin chị, nên cô đừng để cho con khổ”, chị Lệ kể lại.
Với niềm tin của mọi người, đến năm 2018, gia đình chị Lệ đã chính thức thoát nghèo, số tiền nợ tại ngân hàng đã trả được gần hết. Không những vậy, chị Lệ còn xây được nhà cửa khang trang và 4 người con đã có công việc ổn định.
“Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các hộ nghèo như tôi rằng, dù chúng ta có nghèo khổ như thế nào, thì cũng phải luôn cố gắng vươn lên, vì xung quanh chúng ta luôn có những cánh tay sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với hoàn cảnh của chúng ta. Hãy tin rằng, mọi sự cố gắng sẽ luôn được đền đáp và đến một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận được quả ngọt”, chị Lệ nói.
Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác. Theo đó, hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước.
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng; từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác không ngừng được cải thiện, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Năm 2023 và quý I/2024, nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã giải ngân cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất, cải thiện, ổn định đời sống kinh tế. Hàng trăm lao động được tạo việc làm; giải quyết cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập… Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2023 còn 1,44%, hộ cận nghèo còn 2,26%, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Mới chia sẻ, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách huyện giải ngân cho vay 754 lượt khách hàng. Trong đó, có 46 lượt hộ nghèo, 83 hộ cận nghèo, 388 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, 1.104 lượt học sinh sinh viên vay vốn để học tập, 1.611 hộ gia đình vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh; 675 hộ vay vốn giải quyết việc làm; 30 hộ vay vốn để xuất khẩu lao động.
Với những nỗ lực trên, những năm qua, hộ nghèo ở huyện Chợ Mới có những chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo giảm còn 1,44%. Tỷ lệ nợ quá hạn huyện Chợ Mới chiếm tỷ lệ 0,4%, thấp nhất tỉnh. Đặc biệt, Chợ Mới có dư nợ các chương trình tín dụng cao nhất tỉnh với 569 tỷ đồng (tăng gần 28 tỷ đồng so năm 2023), tỷ lệ tăng 5,18% với hơn 15.381 hộ còn dư nợ. Chất lượng tín dụng thường xuyên được chú trọng và không ngừng nâng cao, được xếp loại tốt…
Để có được kết quả đó, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chợ Mới thường xuyên quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng giao dịch NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong đó, ngay từ đầu năm 2024, đã chuyển sang 1,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW (năm 2014) đến nay, tổng số vốn ngân sách huyện chuyển sang Phòng giao dịch NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gần 15 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ về nguồn vốn ngân sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã bố trí vị trí giao dịch cho hoạt động Điểm giao dịch xã của Phòng giao dịch NHCSXH đặt tại trụ sở UBND cấp xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, giao dịch các hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo an toàn và tiết giảm chi phí đi lại.
Riêng Phòng giao dịch NHCSXH huyện đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 18/18 điểm giao dịch xã. Với mạng lưới rộng khắp về tận cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH và chính quyền cơ sở để giải ngân nhanh chóng, thuận lợi nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng phải đi đôi với chất lượng, nên thời gian qua, chất lượng tín dụng ngày được nâng cao.
Để thực hiện tốt hơn hoạt động tín dụng năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Võ Minh Nâng yêu cầu Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, các ngành, UBND các xã, thị trấn củng cố lại Tổ đôn đốc thu hồi nợ quá hạn và nợ khoanh; xử lý kịp thời các khoản nợ. Đối với những nơi có tổ hoạt động trung bình, không hiệu quả phải củng cố lại hoặc thay đổi ngay Ban quản lý tổ, để đảm bảo chất lượng hoạt động.
Đặc biệt, tập trung tăng trưởng dư nợ đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ thấp, để nâng mức dư nợ lên so mặt bằng huyện. Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.
Quy mô các chương trình tín dụng chính sách ngày càng được mở rộng, đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách phong phú; chất lượng và hiệu quả hoạt động được bảo đảm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, tỉnh đã triển khai và đang quản lý 20 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2024 đạt trên 12.500 tỷ đồng, với trên 709.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã xây dựng nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng đến 100% khóm, ấp trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
10 năm qua, tín dụng chính sách giúp hơn 165.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 86.000 lao động có việc làm ổn định trong nước và đi làm việc ở nước ngoài; hơn 79.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng trên 44.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, nhà ở xã hội và trên 250.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân cư.