Yếu tố nào làm CPI 9 tháng tăng 3,88%?
Cập nhật báo cáo về tình hình giá tháng 9 và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra những yếu tố làm tăng CPI 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Chín tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%.
CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
CPI tháng 9 tăng 0,29% so với tháng 8
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung cả nước tháng 9/2024 tăng 0,29% (khu vực thành thị tăng 0,33%; khu vực nông thôn tăng 0,23%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.
Nhóm giáo dục tháng Chín tăng 2,09%, trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,33% do một số địa phương điều chỉnh học phí áp dụng cho năm học 2024-2025 ở một số trường dân lập, tư thục các cấp và các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học để đảm bảo thu chi thường xuyên; giá sản phẩm từ giấy tăng 0,61%; giá bút viết tăng 0,4%; giá văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,35% do nhu cầu các mặt hàng đồ dùng học tập đầu năm học tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 9/2024 tăng 0,92%, tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm, trong đó, nhóm lương thực tăng 0,77% (giá gạo tăng 0,76%) và nhóm thực phẩm tăng 1,06% do nhu cầu tăng cao vào dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 cùng với ảnh hưởng của bão số 3, số 4 và hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt diện rộng, làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa tại một số địa bàn khiến giá thực phẩm tăng cục bộ.
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,65%, chủ yếu do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và nhu cầu du lịch trong tháng tăng vào dịp nghỉ Lễ.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52% do giá thuê nhà tăng 0,42% khi nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng...
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%.
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tháng 9/2024 giảm 2,77% so với tháng trước, góp phần làm giảm CPI chung 0,27 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% do các công ty du lịch thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2024 tăng 2,63%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 9/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,28%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,37%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,94% làm CPI chung tăng 1,32 điểm phần trăm; nhóm giáo dục tăng 1,21%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,3%, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,98%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,17%.
Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông giảm 5,33%, tác động làm CPI chung giảm 0,52 điểm phần trăm, trong đó giá xăng, dầu giảm 18,31% và phương tiện đi lại giảm 0,14%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,42% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
CPI quý III tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2023
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý III năm 2024 tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu do:
Giá lương thực quý III/2024 tăng 11,22%, trong đó giá gạo tăng 14,77% theo giá gạo xuất khẩu và nguồn cung chịu ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão, tác động làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Giá dịch vụ y tế trong quý tăng 10,54% do được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm.
Giá dịch vụ giáo dục quý III tăng 5,8% do một số địa phương thực hiện điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025 tác động làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm.
Giá nhà ở thuê quý III/2024 tăng 3,48%, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm do nhu cầu thuê nhà tăng.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, quý III/2024 tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý III/2024 tăng 2,61% làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm.
Giá đồ uống và thuốc lá trong quý tăng 2,4%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và chi phí vận chuyển tăng.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá xăng dầu trong nước bình quân quý III giảm 7,72%, góp phần làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm; giá các thiết bị di động giảm ở các mặt hàng mẫu cũ làm cho chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông quý III năm nay giảm 0,74% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm CPI chung 0,02 điểm phần trăm.
Cùng với CPI, lạm phát cơ bản tháng 9/2024 cũng tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,88%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Yếu tố làm tăng CPI quý III
Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh bão Yagi gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống Nhân dân, tại một số nơi có những thời điểm khan hiếm các mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm dẫn đến tăng giá cục bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá cả hàng hóa nhanh chóng theo xu hướng trở về mức trước bão.
“Giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,69%” Tổng cục Thống kê nhận định.
Về yếu tố làm tăng CPI 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 14,23%, tác động làm CPI tăng 0,52 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 18,87% theo giá gạo xuất khẩu khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Lễ, Tết, bão lũ làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm.
Nhóm thực phẩm tăng 2,31%, làm CPI chung tăng 0,49 điểm phần trăm.
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 4,03% do nhu cầu tiêu dùng và chi phí nhân công tăng.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61%, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 9 tháng tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.