Trợ lực nào khơi thông dòng tiền 1 triệu tỷ đồng?
Tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây đã khởi sắc nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra. Trong 3 tháng cuối năm, cần nhiều trợ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa vốn vào nền kinh tế.
Ngân hàng tăng ưu đãi, giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 17/9, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 7,38% so với cuối năm ngoái. Trong đó, khối ngân hàng tư nhân tăng 8,6% (chiếm 45% thị phần, cao nhất toàn hệ thống).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ sau hơn nửa năm, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 vượt mốc 10% như ACB, HDB, MBB, VPB, LPB. Nhưng một số khác đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chẳng hạn, TPB và VIB đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng dưới 5%.
NHNN mới đây đã điều chỉnh room tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, từ ngày 28/8, TCTD nào có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu mà NHNN đã thông báo đầu năm sẽ được NHNN chủ động nới thêm room dựa trên cơ sở điểm xếp hạng mà không cần đề nghị.
Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, đây là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần những tháng cuối năm. Qua đó, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, sau khi Luật TCTD mới có hiệu lực, NHNN đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như người cho vay.
Về các gói tín dụng lớn, hiện gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số dự kiến 30.000 tỷ đồng, đạt 36.000 tỷ đồng. Dự kiến, NHNN sẽ tăng số dư của gói này lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng (có thêm 4 NHTM tham gia) sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, giảm lãi suất, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.
Thời gian qua, các NHTM đã từng bước nỗ lực giảm lãi suất, đẩy mạnh hoạt động cho vay; tích cực triển khai ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, NHNN. Hiện, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.
Các NHTM vẫn tiếp tục đưa các gói lãi suất ưu đãi dành cho sản xuất kinh doanh và kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn, OCB đang cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay lãi suất chỉ từ 5,5%/năm; BVBank cho vay trả nợ trước hạn đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu dùng với lãi suất từ 3,49-5,49%/năm...
Trợ lực tăng tốc tín dụng 3 tháng cuối năm
Theo tính toán của giới chuyên gia, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, ước tính có khoảng 2 triệu tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế. Trong 8 tháng đầu năm, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân 112.500 tỷ đồng/tháng.
Như vậy, hệ thống cần thực hiện đẩy ra lượng vốn còn lại 1,135 triệu tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 283.750 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gấp 2,5 lần so những tháng đầu năm. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành Ngân hàng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, ngoài việc tác động vào cung tiền và giá vốn thì cũng cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác để kích cầu, giảm chi phí cho doanh nghiệp… thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng thông qua các chương trình kích cầu tín dụng, giảm lãi suất cho vay thì cần kích cầu sức mua thị trường, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.
PSG,TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM) nhìn nhận, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, trong những tháng cuối năm, dư nợ của ngành Ngân hàng có khả năng cải thiện dần. Song để có thể đạt được mức 15% cũng là thách thức và đòi hỏi nỗ lực rất lớn.
Trước đây, động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chủ yếu đến từ bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Nhưng sau giai đoạn COVID-19, sức mua của người dân suy yếu, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất chậm. Trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại, các nhà băng đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng sẽ lấy lại vị thế động lực. Hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai.
“Ở các nước phát triển trên thế giới, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, tín dụng ở nhiều ngân hàng dựa quá lớn vào bất động sản, rất dễ rủi ro. Vì thế, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.
“Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, các chuyên gia phân tích của MBS Research đánh giá.
Phía MBS phân tích: "Một số NHTM có thể hy sinh lãi bằng cách giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng tín dụng. Trong đó, cho vay bán lẻ dự kiến sẽ phục hồi mạnh hơn trong những tháng cuối năm thông qua tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô nhờ hiệu ứng từ lãi suất cho vay thấp. Còn với mảng khách hàng doanh nghiệp, hoạt động nhập khẩu và xây dựng hạ tầng sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024”.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng năm nay đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục dần từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà…
Còn theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay, cần đẩy mạnh nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thông qua nhiều chính sách vĩ mô.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự biến động và đà phục hồi của các ngành trọng điểm như năng lượng, bất động sản, bán lẻ và tiêu dùng, các ngành hướng tới xuất khẩu như dệt may, nông sản, thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Khối Thông tin doanh nghiệp, phụ trách Mô hình Rủi ro và Phân tích dữ liệu của FiinGroup, tăng trưởng tín dụng không chỉ cần đẩy mạnh ở con số mà còn cần chú trọng vào chất lượng tăng trưởng. Việc mở rộng tín dụng quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng có thể thay đổi định hướng tín dụng một cách không phù hợp, nới lỏng điều kiện về thẩm định và quy trình đánh giá tín dụng để tiếp cận với tập khách hàng mới, trong khi năng lực về quản trị rủi ro chưa thể đáp ứng.