Các Hiệp hội ngành, nghề

Có lo sầu riêng bị “ế hàng dội chợ”?

Nguyễn Huyền {Ngày xuất bản}

Hiện nay diện tích trồng sầu riêng trong nước đang tăng rất mạnh trong bối cảnh mặt hàng này chiếm 44,64% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

sau-rienga.jpg
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) tính toán kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 9/2024 ước đạt 920,380 triệu USD, tăng 9,1% với tháng trước và tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 5,644 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 44,64% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Top 5 thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng qua lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. Đáng chú ý, thị trường Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ ba (sau Trung Quốc và Mỹ).

Trong đó, thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 3,081 tỷ USD, tăng 36,33% so với cùng kỳ năm trước, chiếm thị phần 65,23%. Kế đến là thị trường Mỹ đạt 226,821 triệu USD, tăng 35,04% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm thị phần 4,80%.

Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc đạt 214,568 triệu USD, tăng 45,27% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 4,54%. Thứ tư là Thái Lan với kim ngạch đạt 163,421 triệu USD. Nhật Bản đứng thứ năm, đạt 135,485 triệu USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruite) cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng mạnh là do khủng hoảng Biển Đỏ đẩy chi phí logistics đi qua khu vực này tăng cao, khiến nguồn cung rau quả ở thị trường Hàn Quốc trở nên hiếm và đắt đỏ, các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải tìm nguồn cung cấp thay thế từ thị trường gần Việt Nam, đây là yếu tố quan trọng.

Hàn Quốc nhập khẩu chủ yếu các loại trái cây nhiệt đới như chuối, xoài, thanh long, sầu riêng... từ Việt Nam

Đối với thị trường Mỹ, nhà nhập khẩu muốn mua rau quả từ Việt Nam nhiều hơn nữa cũng khó, do khoảng cách địa lý xa, chi phí logistics cao đẩy giá thành hàng hóa tăng lên cao, khiến khả năng cạnh tranh của hàng Việt bị hạn chế trước các thị trường gần như Mexico và các nước khu vực Nam Mỹ.

“Khu vực Tây Nguyên sẽ thu hoạch rộ sầu riêng trong các cuối năm, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD. Ngoài sầu riêng thì các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao là thanh long, chuối, xoài, mít... cùng góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 7 tỷ USD”, Tổng Thư ký Vinafruite nói.

Hiện nay diện tích sầu riêng trong nước đang tăng rất mạnh, có nhiều cảnh báo cho rằng tương lai sầu riêng có thể bị “ế hàng dội chợ” như trường hợp của thanh long hay mít trước đây khi Trung Quốc giảm mua.

Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng: “Chỉ lo sầu riêng ế hàng dội chợ khi nào Trung Quốc trồng được sầu riêng, nếu họ chưa trồng được và khả năng là họ sẽ không trồng được là rất cao, thì sầu riêng của Việt Nam nói riêng và sầu riêng của các nước Đông Nam Á nói chung sẽ có tương lai và sẽ không có lặp lại như trường hợp thanh long hay mít”.

Bởi theo Tổng Thư ký Vinafruite, cây thanh long ở Việt Nam rất dễ trồng và rất dễ cho trái. Từ thập niên 1990, Trung Quốc đã lấy mẫu và trồng thử nghiệm, nhưng mãi đến năm 2019, tức 30 năm sau họ mới có trên dưới 60 ngàn ha - một diện tích đủ để làm khó thanh long Việt Nam, trong khi ở Việt Nam cây thanh long chỉ mất chừng 1 - 2 năm đã cho trái.

“Thanh long rất dễ trồng và rất dễ cho trái nhưng Trung Quốc phải mất gần 30 năm mới có thể trồng thành công cây thanh long. Cây sầu riêng, nông dân Việt Nam phải trồng từ 5 đến 6 năm mới cho trái và cũng rất khó trồng. Do vậy, không phải Trung Quốc muốn trồng sầu riêng là được ngay, cho nên nhà vườn và doanh nghiệp hãy an tâm sản xuất kinh doanh”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Nguyễn Huyền