Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam: Việt Nam đứng trước cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế về thương mại điện tử
Với sự phát triển liên tục của thương mại điện tử toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế. Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đã có những trao đổi rõ hơn về tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024?
Ông Gijae Seong: Năm 2024, chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự gia tăng của các đối tác bán hàng Việt Nam trên toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm cả Amazon. Chúng tôi thấy sự phát triển liên tục, không chỉ về quy mô mà còn về sự đa dạng của các loại sản phẩm và các thương hiệu từ nhiều ngành hàng khác nhau. Khoảng thời gian 9 tháng này là sự nối dài của 5 năm cải tiến dịch vụ liên tục. Nếu xét theo dữ liệu trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%.
Ngoài ra, số lượng người bán hàng không chỉ đơn thuần bán sản phẩm mà còn đăng ký trong danh sách thương hiệu đã tăng 35 lần. Đây là những thành tựu và cải tiến liên tục trong 5 năm mà chúng tôi cũng quan sát được trong năm 2024. Nhìn chung, có thể thấy được sự tham gia tích cực của các người bán đến từ Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
Phóng viên: Theo ông, lợi thế của các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu là gì?
Ông Gijae Seong: Các đối tác Việt Nam có nhiều lợi thế. Việt Nam chú trọng vào xuất khẩu và được hỗ trợ bởi nhiều sáng kiến của Chính phủ. Nhiều nhà máy và doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam đã có kinh nghiệm xuất khẩu hàng chục năm, điều này là một lợi thế lớn.
Nếu xét theo dữ liệu trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam
Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân trẻ tại Việt Nam rất năng động và thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác.
Ngành sản xuất tại Việt Nam cũng đang nhận được sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, tăng cường chuỗi cung ứng và khả năng sản xuất trong nước.
Phóng viên: Trong số những thành tựu ấn tượng mà anh đã chia sẻ về sự thành công của các doanh nghiệp/người bán Việt Nam trên Amazon, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?
Ông Gijae Song: Có nhiều điều khiến tôi tự hào. Khi tôi đến Việt Nam vào năm 2017, tôi thấy nhiều người bán hàng trực tuyến rất háo hức với kinh doanh online. Hiện nay, sau 7 năm, chúng tôi thấy rất nhiều sự phát triển, không chỉ mở rộng 300% về quy mô mà còn rất nhiều những con số đáng kể khác. Nhưng không chỉ về quy mô, chất lượng còn ấn tượng hơn.
Ban đầu, rất nhiều người bán chỉ tập trung vào các sản phẩm đơn giản và kiếm tiền nhanh chóng với tầm nhìn ngắn hạn. Nhưng hiện tại, chúng ta thấy nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và chiến lược rõ ràng. Chúng tôi đã nghe những câu chuyện thành công từ người bán của chúng tôi, chẳng hạn như người chiến thắng giải thưởng "Nhà bán hàng của năm" vào ngày 7/8 vừa qua đã chia sẻ hành trình của họ. Tôi rất ấn tượng với sự đa dạng của các loại người bán mà chúng tôi đang mang đến cho thị trường này.
Phóng viên: Từ góc độ của Amazon, ông có thể đưa ra đánh giá về những thách thức đối với doanh nghiệp hoặc người bán Việt Nam khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu?
Ông Gijae Seong: Tôi nghĩ có nhiều thách thức, nhưng hai thách thức lớn nhất và quan trọng nhất, đó là:
Thứ nhất, quyết định bán sản phẩm nào. Điều này đòi hỏi phải hiểu không chỉ nhu cầu thị trường mà còn cả các quy định và tiêu chuẩn sản phẩm của thị trường để người bán có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn. Đây là thách thức đầu tiên.
Ngoài ra, khi phát triển sản phẩm, người bán cần linh hoạt để đưa nhu cầu khách hàng vào quá trình phát triển sản phẩm. Họ cần phản hồi nhanh chóng với thị trường và khách hàng, hiểu rõ nhu cầu và đáp ứng đủ nhanh để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Đây là yếu tố quan trọng và đầy thách thức cho nhiều người bán chưa quen với tốc độ nhanh của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ hai, chi phí, đặc biệt là chi phí logistics. Bán sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ yêu cầu nhiều vốn, nhất là cho logistics, vận chuyển và quản lý tồn kho. Amazon cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ, nên người bán cần hiểu rõ các công cụ và chương trình này, và cách sử dụng chúng để tối ưu hóa chi phí. Điều này sẽ giúp họ cải thiện cấu trúc chi phí và vượt qua thách thức này.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị hoặc giải pháp nào để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam?
Ông Gijae Song: Tất nhiên, chúng ta cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm hiểu rõ hơn về mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng tôi cũng kết nối Chính phủ với người bán để cơ quan quản lý hiểu rõ các khó khăn thực tế mà người bán gặp phải, từ đó có thể điều chỉnh và thiết kế chính sách hiệu quả hơn.
Cách tiếp cận thứ hai là hợp tác với các cơ quan Chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) địa phương.
Ví dụ, chúng tôi đang triển khai chương trình mang tên "Thời đại đột phá thương mại điện tử xuyên biên giới" nhằm đào tạo cho 10.000 chuyên gia Việt Nam về kiến thức kinh tế xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các sáng kiến hợp tác với cơ quan quản lý, các chuyên gia ngành và các hiệp hội để mang đến nhiều cơ hội học tập hơn cho các SME địa phương.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!