Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ tăng nóng hơn dự đoán
Theo dữ liệu mới nhất tại báo cáo theo dõi chặt chẽ về lạm phát ở Mỹ từ Cục Thống kê Lao động công bố sáng thứ Năm (giờ Mỹ) cho thấy, mức tăng giá tiêu dùng tính trên cơ sở năm của tháng 9 giảm nhưng giá "lõi" vẫn không suy chuyển.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm tốc nhẹ so với mức tăng 2,5% của tháng 8. Đây là mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 2/2021, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế (tăng 2,3%).
Tính theo tháng, chỉ số này tăng 0,2% so với tháng trước, phù hợp với mức tăng được thấy trong tháng 8 và cũng nóng hơn so với ước tính của các nhà kinh tế về mức tăng 0,1%.
Trên cơ sở "lõi", loại bỏ các chi phí thực phẩm và khí đốt dễ biến động hơn, giá trong tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước, mạnh hơn mức tăng 0,2% mà các nhà kinh tế dự kiến và mức 3,3% so với năm ngoái.
Lạm phát, mặc dù ở mức vừa phải, vẫn cao hơn mục tiêu 2% hằng năm của FED.
Tuy nhiên, FED gần đây đã chuyển sự chú ý sang tình trạng của thị trường lao động, thị trường có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên khi đối mặt với lãi suất cao.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy thị trường lao động có thêm 254.000 việc làm trong tháng 9, nhiều hơn mức 150.000 mà các nhà kinh tế dự đoán, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1% từ 4,2%.
Số liệu mạnh mẽ đã làm thay đổi kỳ vọng về con đường phía trước của lãi suất, với việc các nhà giao dịch hiện đang định giá về việc cắt giảm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 thay vì một đợt cắt giảm khổng lồ 50 điểm cơ bản khác.
Biên bản họp tháng 9 của FED công bố hôm thứ Tư cho thấy, trong khi "đa số" các quan chức ủng hộ việc cắt giảm lớn tại cuộc họp tháng 9, thì "một số" lại muốn có lựa chọn cắt giảm lãi suất ở mức độ nhỏ hơn, với lý do lo ngại chính là sự gia tăng lạm phát.
Bên cạnh báo cáo lạm phát, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cũng tăng cao hơn dự kiến, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023.
Sau khi dữ liệu được công bố, các thị trường đang định giá hơn 80% khả năng FED sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tháng 11, so với mức 50% một tháng trước, theo công cụ CME FedWatch.
Nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục chỉ ra rằng giá cả nhìn chung đang tăng trong bối cảnh thị trường lao động dịu nhẹ hơn, thì cuộc họp tiếp theo của FED chắc chắn sẽ bao gồm một cuộc thảo luận sôi nổi hơn về nhiệm vụ nào của FED được ưu tiên hơn”, Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Financial, đã viết.
“Báo cáo ngày hôm nay chắc chắn sẽ làm dấy lên mối lo ngại rằng một hình thức lạm phát đình trệ nhẹ đang bắt đầu xuất hiện.”
Giá nhà ở vừa phải, giá thực phẩm vẫn tăng
Những yếu tố đáng chú ý từ thông tin lạm phát bao gồm chỉ số nhà ở tăng 4,9% trên cơ sở hàng năm, chưa được điều chỉnh, giảm tốc so với mức tăng 5,2% của tháng 8. Chỉ số này tăng 0,2% trong tháng 9 sau khi tăng 0,5% trong tháng 8.
Chi phí nhà ở, cùng với chỉ số giá thực phẩm tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước đã góp phần vào hơn 75% mức tăng lạm phát chung hàng tháng.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát giá nhà ở dai dẳng phần lớn được cho là nguyên nhân dẫn đến chỉ số lạm phát lõi cao hơn. Nhưng sự điều tiết từ tháng 8 là một dấu hiệu đáng khích lệ.
Nhà kinh tế trưởng Eugenio Alemán của Raymond James đã viết: “Báo cáo CPI tháng 9 có tin tốt và tin xấu cho FED”. “Tin tốt là chi phí chỗ ở đã chậm lại.... Tuy nhiên, nó cũng cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro lạm phát trong tương lai.”
Chỉ số giá thuê và giá thuê tương đương của chủ sở hữu (OER) đều tăng 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9. Tiền thuê tương đương của chủ sở hữu là tiền thuê giả định mà chủ nhà sẽ trả cho cùng một tài sản.
Trong khi đó, chỉ số năng lượng giảm 1,9% trong tháng 9, sau khi giảm 0,8% trong tháng 8 do giá gas giảm khá lớn, tới 4,1% trong tháng trước. Tính theo năm, chỉ số năng lượng đã giảm 6,8%.
Chỉ số thực phẩm tăng 2,3% trong tháng 9 so với năm ngoái, với giá thực phẩm tăng 0,4% so với tháng trước - chứng tỏ đây là một yếu tố cản trở lạm phát. Chỉ số thực phẩm tại nhà tăng 0,4% trong tháng 9 sau khi giá ổn định từ tháng 7 đến tháng 8, trong khi thực phẩm mang đi tăng 0,3%.
Các chỉ số khác có mức tăng đáng chú ý trong năm qua bao gồm bảo hiểm xe cơ giới (+16,3%), chăm sóc y tế (+3,3%), chăm sóc cá nhân (+2,5%) và may mặc (+1,8%).
Các chỉ số giá về giáo dục, nội thất và hoạt động gia đình, chăm sóc cá nhân, ô tô và xe tải đã qua sử dụng cũng như xe mới cũng tăng trong tháng 9.