Sửa đổi về các hình thức tiền gửi rút trước hạn
Theo Thông tư mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, các hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm: “Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”.
Ngày 30/9/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 (Thông tư 47) sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16/6/2022 của Thống đốc NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Thông tư 47 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.
Những hình thức tiền gửi rút trước hạn
Tại Điều 1 - Thông tư 47 vừa được NHNN ban hành: Sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN như sau: “3. Chứng chỉ tiền gửi do TCTD phát hành".
Trước đó, tại Điều 3 về Hình thức tiền gửi rút trước hạn (Thông tư 04/2022/TT-NHNN) bao gồm: “1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. 2. Tiền gửi có kỳ hạn. 3. Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành. 4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các TCTD”.
Tuy nhiên, tại Thông tư 47 đã loại bỏ “kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu” ra khỏi hình thức tiền gửi rút trước hạn.
Như vậy, theo Thông tư 47 mới ban hành, các hình thức tiền gửi rút trước hạn bao gồm: “1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. 2. Tiền gửi có kỳ hạn. 3. Chứng chỉ tiền gửi do TCTD phát hành. 4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các TCTD”.
Các điều khoản khác tại Thông tư số 04/2022/TT-NHNN vẫn giữ nguyên.
Về đối tượng áp dụng: Theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN bao gồm: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD) hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các TCTD, không bao gồm Ngân hàng Chính sách; Tổ chức (không bao gồm TCTD), cá nhân gửi tiền tại TCTD (sau đây gọi là khách hàng).
Tại Điều 4, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định, rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi; TCTD và khách hàng thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của NHNN đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể. Lãi suất rút trước hạn tiền gửi được thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp không có thỏa thuận rút trước hạn tiền gửi, TCTD áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Rút tiết kiệm trước hạn một phần không lo về lãi suất
Về lãi suất rút trước hạn tiền gửi, Điều 5, Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định:
“1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
a) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;
b) Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần”.
Như vậy có thể hiểu rằng: Khách hàng A có khoản tiết kiệm tại ngân hàng 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm với lãi suất 5%/năm, đến hạn ngày 1/1/2023. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này là 0,1%/năm. Do khách hàng có việc gấp và rút sổ trước hạn 500 triệu đồng ngày 10/6/2022. Theo đó, khoản 500 triệu này sẽ được tính lãi không kỳ hạn (0,1%/năm). Khoản tiền gửi còn lại là 500 triệu đồng vẫn sẽ được tính lãi suất 5%/năm cho đến ngày đáo hạn.
Theo các chuyên gia, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn. Khách hàng chủ động lựa chọn những kỳ hạn dài với lãi suất cao hơn để gửi mà không quá lo lắng về nhu cầu vốn đột xuất, rút vốn trước hạn sẽ mất toàn bộ phần lãi trong thời gian gửi. Về phía ngân hàng cũng giảm bớt áp lực vốn trung dài hạn. Theo thống kê, nguồn vốn huy động tại các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi cho vay thường có kỳ hạn dài hơn.