Nghiên cứu - Trao đổi

Thực trạng và giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ chính sách tín dụng ngân hàng

ThS. Lưu Phước Vẹn - Trần Thị Kim Khôi 12/10/2024 08:35

Bài viết này nghiên cứu thực trạng phát triển của DNNVV, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DNNVV trong thời gian qua, chỉ ra một số tồn tại của loại hình doanh nghiệp này, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển DNNVV bền vững.

Tóm tắt: Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, kinh tế tư nhân (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)) là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Bài viết này nghiên cứu thực trạng phát triển của DNNVV, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DNNVV trong thời gian qua, chỉ ra một số tồn tại của loại hình doanh nghiệp này, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển DNNVV bền vững.

Từ khoá: doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ, vốn tín dụng

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES FROM THE PERSPECTIVE OF BANK CREDIT POLICIES

Abstract: The 13th Party Congress has already re-affirmed that private economy (including small and medium enterprises -SMEs) is an important driving force in the economic development of our country.

This article studies the current state of the development of SMEs and the state’s support policies for SMEs recently. The authors point out some shortcomings of this type of business, thereby proposing solutions to overcome difficulties to create motivation to promote sustainable development for the SMEs.

Keywords: small and medium enterprises, support policies, credit capital

1. GIỚI THIỆU

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc gia. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. DNNVV là một trong những thành phần quan trọng của kinh tế tư nhân, giúp tạo ra công việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tương đối lớn vào tăng trưởng GDP. DNNVV ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, không ngừng phát triển về mọi mặt, uy tín, thương hiệu, năng lực cạnh tranh trên thị trường đang dần được nâng cao; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các DNNVV đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội. Từ việc xác định trọng tâm phát triển kinh tế song song với các mục tiêu tăng trưởng khác, tích cực triển khai các giải pháp để phát huy thế mạnh các mặt hàng chủ lực có thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh, dệt may…, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thu hút DNNVV tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với DNNVV thông qua môi trường mở như hình thành Ban hỗ trợ doanh nghiệp, Cà phê Doanh nhân, liên kết các tổ chức hỗ trợ như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để giúp DNNVV tiếp cận một số định hướng phát triển mới và kịp thời nắm bắt những vướng mắc khó khăn để tháo gỡ. Tuy nhiên, khu vực DNNVV hiện nay vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết còn yếu… dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển DNNVV bền vững.

2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ CÁC CHÍNH SÁCH VỐN TÍN DỤNG CHO DNNVV

2.1. Kết quả đạt được

Công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo và điều hành của các cấp chính quyền đối với phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), trong đó có DNNVV ngày càng tích cực và sâu sát hơn, từ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của DNNVV dần được nâng lên. Đồng thời, đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ và kịp thời tham mưu ban hành nhiều văn bản để cụ thể hoá những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về DNNVV. Kết quả, đã có những khởi sắc, từng bước được củng cố lại và hoạt động hiệu quả hơn; chứng tỏ được vai trò ngày càng quan trọng toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. DNNVV đã phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Việc liên kết giữa khu vực DNVVN với các loại hình doanh nghiệp khác bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Hoạt động của các mô hình DNVVN tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và theo nhu cầu của thị trường, đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ chế chính sách được ban hành đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế; nhiều DNVVN đã tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển, nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có DNNNV ngày càng cho thấy vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 về Chương trình hành động của (Chính phủ) tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại Việt Nam, DNNVV có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm 97% số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển vững chắc, nhất là đối với DNNVV. Nhiều hệ thống văn bản được ban hành để hỗ trợ và phát triển DNNVV như Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 của Quốc hội, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều chỉnh của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều chỉnh của Luật hỗ trợ DNNVV; Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 về việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV...

NHNN hết sức tạo điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp bằng cách đưa ra rất nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, các chính sách, cơ chế ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013; Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 0,5 - 2%/năm nhằm hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế; đồng thời, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) có các biện pháp giảm lãi suất cho vay. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới cũng có xu hướng giảm. Đến tháng 8/2023, lãi suất cho vay giảm khoảng 1% - 2%/năm đối với nhóm NHTM có vốn nhà nước chi phối, các ngân hàng còn lại có mức giảm bình quân 0,5 - 0,65% so với cuối năm 2022.

NHNN điều hành tăng trưởng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với DNNVV như: Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương liên tục cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; cho vay đối với doanh nghiệp tại vùng khó khăn; cho vay lãi suất ưu đãi doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022.

Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ đối với DNNNV đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm năng, có sức mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hằng năm, khoảng 35 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Sự phát triển và nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân được chứng minh bằng việc liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh do-anh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ sở kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

2.2. Tồn tại

- Hoạt động của khu vực KTTN nói chung và các DNNVV nói riêng vẫn chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế; các sản phẩm chủ yếu như lúa gạo, thủy sản, dệt may… vẫn còn gặp khó khăn về thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất, các quy định ràng buộc của các thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nhân sự, tổ chức quản trị doanh nghiệp, thông tin thị trường. Trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp...

- Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.

- Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong DNNVV còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại… diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài.

- Nhiều quy định của pháp luật về KTTN chưa được thực hiện nghiêm. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro cao và thiếu tính minh bạch. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác; chi phí trung gian, không chính thức còn nhiều.

- Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, thiếu trách nhiệm, lạm dụng chức quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn. Phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn bất hợp lý, thiếu chặt chẽ. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của KTTN còn thấp.

- Các loại hình định chế tài chính trung gian khác còn phát triển chậm, phạm vi và quy mô hoạt động vẫn còn nhỏ và chủ yếu chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn đang niêm yết. Những điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng đa dạng hóa các kênh huy động vốn của các DNNVV. Bản thân DNNVV cũng gặp rào cản trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, một phần do lịch sử tín dụng của doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của TCTD, vấn đề về tài sản thế chấp, trách nhiệm chưa cao, báo cáo tài chính chưa được rõ ràng...

3. GIẢI PHÁP

3.1. Đối với chính quyền địa phương

- Cần cụ thể hoá và thực hiện kịp thời các giải pháp của Chính phủ, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách giải pháp, trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

- Triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút vốn đầu tư, từng bước hình thành các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh do-anh thuận lợi cho phát triển DNNVV; mở rộng khả năng tham gia thị trường của KTTN và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của DNNVV; tập trung hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển KTTN.

- Cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, nhất là thị trường tiền tệ và thị trường vốn; tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý.

- Cần có nhiều hơn cơ chế, chính sách tạo điều kiện để DNNVV tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ KTTN tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương mại quốc tế; xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đối với KTTN khi tham gia thương mại, đầu tư quốc tế. Tạo điều kiện để DNNVV phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

- Xây dựng chính sách tạo điều kiện để DNNVV tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp của tư nhân... Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho KTTN tham gia cung cấp dịch vụ công.

- Xoá bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DNNVV. Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

3.2. Đối với cộng đồng DNNVV

- Chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có kế hoạch hành động cụ thể, theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thị trường để có ứng phó nhanh nhạy, giải pháp xử lý phù hợp.

- Tích cực tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng đến việc tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp hiệu quả; thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để vươn lên từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp.

- Phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động tham vấn, phản biện, đối thoại chính sách để đóng góp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chấp Hành Trung ương Đảng. (2017). Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Chính phủ. (2015). Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ: Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3. Chính phủ. (2018). Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Chính phủ. (2018). Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

5. Chính phủ. (2021). Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. Chính phủ. (2022). Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

7. Chính phủ. (2022). Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

8. Chính phủ. (2023). Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

9. Chính phủ. (2023). Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ: Về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

10. Đông An (2023), Giải pháp hỗ trợ tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân ở An Giang

11. Quốc Hội. (2017). Luật số 04/2017/QH14 của Quốc hội: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

12. Thủ tướng Chính phủ. (2013). Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

13. Thủ tướng Chính phủ. (2013). Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15 năm 2023

ThS. Lưu Phước Vẹn - Trần Thị Kim Khôi