Hoạt động ngân hàng

Tiếp tục tăng cường an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán số

P.V 11/10/2024 19:02

Từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán và thẻ không hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch bằng phương thức điện tử.

Đây là những nội dung quy định mới đáng chú ý trong Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/6/2024 (Thông tư 18).

Có thể coi, việc ban hành 2 Thông tư này là biện pháp mạnh tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước sau Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo quy định, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, sau khi quy định về xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến chính thức được áp dụng, số vụ việc gian lận, lừa đảo mất tiền và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể.

Cụ thể, qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

Thống kê sau 2 tháng triển khai Quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Trong hai tháng 7 và 8/2024, theo báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch; trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường.

Mặc dù số lượng giao dịch trung bình hàng ngày không thay đổi đáng kể so với thời điểm trước ngày 1/7/2024 nhưng sự giảm mạnh về số vụ lừa đảo cho thấy quy định mới đã có tác động tích cực đáng kể.

Với Thông tư 17, Thông tư 18 ban hành ngày 28/6/2024, có nội dung cần đặc biệt chú ý là từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán và thẻ không hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học sẽ bị dừng toàn bộ giao dịch bằng phương thức điện tử. Khi đó, khách hàng chỉ có thể trực tiếp đến ngân hàng để thực hiện giao dịch.

Để triển khai thực hiện các Thông tư này, khảo sát nhanh từ các ngân hàng cho thấy ngân hàng đều đang gấp rút thực hiện rà soát thông tin khách hàng theo quy định của NHNN, chia nhóm đối với khách hàng để thực hiện rà soát và quản lý.

Về mặt kỹ thuật, các ngân hàng cũng khẩn trương thực hiện điều chỉnh/ nâng cấp hệ thống để đảm bảo việc đáp ứng yêu cầu của NHNN như: xây dựng chương trình cảnh báo đối với khách hàng sắp hết hạn hiệu lực giấy tờ tuỳ thân; chuẩn bị cơ sở hạ tầng lưu trữ thông tin sinh trắc học của khách hàng, thực hiện bổ sung hệ thống việc thu thập và lưu trữ thông tin về giấy tờ cư trú đối với khách hàng nước ngoài, bổ sung hệ thống/quy định đối với khách hàng là người liên quan của chủ tài khoản thanh toán/thẻ.

Ngân hàng cũng thực hiện xây dựng kế hoạch truyền thông, cảnh báo để kịp thời thông tin đến khách hàng, giảm thiểu tối đa sự gián đoạn giao dịch của khách hàng tại thời điểm ngày 1/1/2025.

Trong thông báo mới đây, ngân hàng OCB cho biết sẽ tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng hết hạn giấy tờ tùy thân hoặc chưa đăng ký sinh trắc học khuôn mặt trước ngày 1/1/2025.

Thông báo của OCB nêu rõ, căn cứ vào quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN của NHNN, kể từ ngày 1/1/2025 tạm ngưng giao dịch đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc chưa đối chiếu dữ liệu sinh trắc học. Để không bị gián đoạn giao dịch, OCB đề nghị khách hàng cần hoàn tất đăng ký sinh trắc học khuôn mặt và cập nhật giấy tờ tùy thân mới.

Trước đó, TPBank cũng thông báo đến các khách hàng đã sử dụng CMND còn thời hạn cần tiến hành thay thế bằng Giấy tờ tùy thân mới theo quy định của pháp luật hiện hành và bổ sung trước ngày 1/1/2025. Trong thời gian cập nhật, nếu giấy tờ tùy thân của quý khách hàng đã thay đổi nhưng khách hàng không cập nhật hoặc đã có sự thay đổi nhưng giấy tờ tùy thân mới không được bổ sung cho TPBank, ngân hàng được quyền từ chối giao dịch với khách hàng.

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng đã yêu cầu các lãnh đạo ngân hàng đẩy nhanh việc cập nhật dữ liệu thông tin trên các tài khoản ngân hàng.

“Ngành ngân hàng lấy đích ngày 1/1/2025 đảm bảo dữ liệu tài khoản của ngân hàng phải là dữ liệu sống. Dữ liệu này đối chiếu đầy đủ với căn cước công dân gắn chip. Điều này giúp chúng ta loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Quy định mới tại Thông tư 17 và 18 về việc quản lý thông tin giấy tờ tùy thân và sinh trắc học

Thông tư 17
Thông tư 18
- Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17: "Chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức)" có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với tài khoản cá nhân và từ ngày 1/7/2025 với tài khoản tổ chức.
- Quy định tại khoản 3 Điều 19: "Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tuỳ thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tuỳ thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tuỳ thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng", có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
- Quy định tại khoản 6 Điều 16: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ”, hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
- Quy định tại điểm q khoản 1 Điều 18: “Tổ chức phát hành thẻ phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của KH; thông báo cho KH tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung; tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

P.V