Nhìn ra thế giới

Khi nào can thiệp ngoại hối có thể giúp các quốc gia vượt qua các cú sốc một cách tốt nhất?

Hải Yến 13/10/2024 08:36

Bài viết trên blog của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các trường hợp cần can thiệp ngoại hối và giới thiệu Khung chính sách tích hợp của IMF (IPF) nhằm ứng phó với những biến động, bất ổn.

Với việc các ngân hàng trung ương lớn đang cắt giảm lãi suất chính sách, chu kỳ lãi suất toàn cầu đang chuyển hướng. Điều này cho thấy cuộc chiến chống lạm phát đã tiến xa đến mức nào ở nhiều nền kinh tế phát triển. Nhưng với tình trạng bất ổn kinh tế vẫn còn cao, lo ngại về khả năng lan tỏa là hiện hữu. Lãi suất chính sách thấp hơn có thể thúc đẩy dòng vốn khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất. Và những dòng chảy như vậy có thể đảo ngược mạnh mẽ khi những cú sốc bất lợi dẫn đến việc thắt chặt trở lại các điều kiện tài chính.

Để bảo vệ sự ổn định tài chính và nền kinh tế, Khung chính sách tích hợp của IMF được cho là có khả năng giúp điều chỉnh tổ hợp chính sách tốt nhất có thể trước những biến động như vậy. Trong một thế giới dễ bị sốc hơn, các nhà hoạch định chính sách phải linh hoạt hơn nữa trong việc sử dụng các công cụ được hiệu chỉnh tốt và phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể. Khuôn khổ của IMF cho thấy rằng, trong trường hợp không có xung đột thị trường, các chính sách tài chính và tiền tệ thường đủ để giải quyết tác động của các cú sốc bên ngoài. Nhưng nó cũng cho thấy việc sử dụng các công cụ bổ sung có thể hữu ích như thế nào trong một số trường hợp nhất định.

Ví dụ, nếu dòng vốn chảy ra nhanh chóng làm tê liệt các thị trường tài trợ vốn quan trọng và khiến tỷ giá hối đoái giảm mạnh, ngân hàng trung ương có thể bán dự trữ ngoại hối hoặc cho vay ra để ổn định thị trường và bảo vệ sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, sự can thiệp ngoại hối có thể đi kèm với chi phí và sự đánh đổi lớn. Việc can thiệp quá thường xuyên có thể dẫn đến sự bằng lòng về rủi ro tăng lên trước những biến động của tỷ giá hối đoái. Và can thiệp không nên được sử dụng như một chiêu bài để đạt được lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng.

Nguyên tắc của IMF về can thiệp ngoại hối đã nêu chi tiết khi nào có thể giúp các quốc gia có tỷ giá hối đoái thả nổi—nói cách khác, nơi tỷ giá hối đoái chủ yếu được xác định bởi thị trường. Công cụ can thiệp hối đoái cũng nêu rõ khi nào việc can thiệp không được khuyến khích.

IMF đang nỗ lực kết hợp những nguyên tắc này, được công bố lần đầu vào tháng 12, trong các cuộc kiểm tra sức khỏe kinh tế hàng năm đối với các quốc gia thành viên, được gọi là đánh giá Điều IV.

Can thiệp ngoại hối trong bộ công cụ của IMF

Các quốc gia có tỷ giá hối đoái thả nổi thường chọn mục tiêu đối với lạm phát và sử dụng lãi suất để đạt được mục tiêu đó. Tỷ giá hối đoái, trong những trường hợp này, được phép tự do điều chỉnh để giúp cân bằng tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu và giúp duy trì cân bằng bên ngoài.

Ngược với các quốc gia thả nổi tỷ giá hối đoái, ở phía bên kia, khoảng hai phần ba các quốc gia neo đồng tiền của mình với một đồng tiền khác hoặc quản lý tỷ giá hối đoái. Trong những trường hợp này, lãi suất của ngân hàng trung ương theo sát lãi suất do quốc gia có vai trò, vị thế lớn đặt ra và không thể được sử dụng độc lập để ứng phó với các cú sốc cung hoặc cầu trong nước. Sự can thiệp thường được sử dụng song song để duy trì chốt chặn.

Các nguyên tắc thường tập trung ở các quốc gia có tỷ giá hối đoái linh hoạt. Hầu hết các nền kinh tế phát triển đều có cơ chế tỷ giá hối đoái hoàn toàn linh hoạt, được gọi là thả nổi tự do. Một số nước như Canada, Anh và Mỹ hầu như không bao giờ can thiệp tỷ giá. Thay vào đó, họ để thị trường xác định giá trị tiền tệ của mình, ngay cả trong thời điểm căng thẳng. Tuy nhiên, một số ngân hàng trung ương khác có chế độ thả nổi đôi khi vẫn can thiệp.

Khung chính sách tích hợp của IMF (IPF), thừa nhận rằng các nền kinh tế mở về tài chính có thể dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc, do đó, tỷ giá hối đoái hoàn toàn linh hoạt có thể không phải lúc nào cũng tốt. Đó là lý do tại sao IMF xác định 3 trường hợp trong đó các ngân hàng trung ương có thể xem xét đến biện pháp can thiệp tỷ giá để giải quyết một cú sốc lớn:

• Khi thị trường ngoại hối trở nên kém thanh khoản, ngân hàng trung ương có thể sử dụng biện pháp can thiệp tỷ giá để quản lý những thay đổi mạnh mẽ trong các điều kiện tài chính có thể phát sinh từ áp lực dòng vốn và tỷ giá hối đoái đe dọa sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

• Đối với các khoản đầu tư tiền tệ không được bảo hiểm, ngân hàng trung ương có thể sử dụng can thiệp tỷ giá hối đoái để chống lại sự sụt giảm mạnh của đồng tiền mà nếu không hành động sẽ dẫn đến khủng hoảng, chẳng hạn như khủng hoảng liên quan đến khu vực tư nhân ở quy mô lớn không trả được nợ bằng đồng đô la.

• Khi việc giảm giá mạnh có thể không chỉ khiến giá hàng hóa và dịch vụ tăng tạm thời mà còn làm tăng kỳ vọng lạm phát, ngân hàng trung ương có thể xem xét can thiệp tỷ giá hối đoái cùng với việc tăng lãi suất để hạn chế những tác động đó. Việc sử dụng bổ sung biện pháp can thiệp tỷ giá có thể làm giảm tác động tiêu cực của chính sách tiền tệ thắt chặt đối với tăng trưởng.

Những hạn chế của sự can thiệp

Khuôn khổ của IMF cũng thừa nhận rằng can thiệp tỷ giá hối đoái có thể làm mất đi một số lợi ích của việc linh hoạt hoàn toàn về tỷ giá hối đoái khi điều chỉnh kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như người dân và doanh nghiệp chuyển đổi giữa hàng hóa và dịch vụ trong nước và nước ngoài. Một cân nhắc quan trọng khác là việc tích lũy và nắm giữ dự trữ cho can thiệp tỷ giá hối đoái rất tốn kém.

Sự can thiệp cũng có thể có tác dụng phụ ngoài ý muốn. Việc sử dụng quá mức có thể cản trở sự phát triển của thị trường ngoại hối bằng cách làm giảm động cơ khuyến khích giao dịch hoặc phòng ngừa rủi ro tiền tệ của khu vực tư nhân. Kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ can thiệp để ngăn chặn tổn thất cũng có thể tạo ra rủi ro đạo đức. Hơn nữa, can thiệp tỷ giá hối đoái nếu được truyền thông kém có thể gây nhầm lẫn về chức năng phản ứng chính sách của ngân hàng trung ương và công cụ chính để đạt được mục tiêu lạm phát.

Phối hợp các chính sách với nhau

Với những hạn chế như vậy, khung chính sách tích hợp IPF khuyến nghị chỉ can thiệp trong các trường hợp mô tả ở trên và khi các cú sốc đủ lớn để đe dọa sự ổn định kinh tế hoặc tài chính, chẳng hạn như biến động mạnh bất thường về tỷ giá hối đoái hoặc điều kiện tài chính. Trong những trường hợp này, không nên sử dụng biện pháp can thiệp để tránh điều chỉnh chính sách tài chính và tiền tệ. Và nếu nguồn dự trữ khan hiếm thì tốt nhất nên bảo toàn cho đến khi những cú sốc lớn hơn xuất hiện.

Khi xác định được rằng biện pháp can thiệp là phù hợp thì biện pháp can thiệp đó sẽ hiệu quả nhất khi là một phần của cách tiếp cận chính sách kết hợp, tích hợp với các công cụ tài chính và vĩ mô khác. Ngay cả trước khi có một cú sốc, các quốc gia nên phát triển thị trường ngoại hối của mình một cách sâu sắc hơn, khiến thị trường này có sức chống chịu tốt hơn trước những căng thẳng. Các biện pháp an toàn vĩ mô phù hợp có thể làm giảm rủi ro vay mượn bằng ngoại tệ. Và các quốc gia có thể neo giữ kỳ vọng lạm phát tốt hơn để giảm nhu cầu can thiệp trong trường hợp xảy ra các cú sốc.

Khuôn khổ của IMF xem xét việc sử dụng tích hợp hơn nhiều loại đòn bẩy chính sách hơn để giải quyết những xung đột thị trường và những cú sốc lớn. Nó cũng nhằm mục đích thúc đẩy các cuộc thảo luận chính sách với các quốc gia thành viên khi IMF thường xuyên đánh giá những tổn thương và phản ứng tiềm tàng có thể của các thành viên. Khung chính sách tích hợp IPF có thể giúp các quốc gia thích ứng với hoàn cảnh đặc biệt khi phải chuẩn bị cho việc chịu đựng những bất ổn và những cú sốc trong tương lai.

Hải Yến