Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách tạo động lực thoát nghèo ở Sóc Trăng

ThS.Trần Trọng Triết 12/10/2024 09:00

Sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị số 40), huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt nghèo, thay đổi cuộc sống.

hoat-dong-nhcsxh-gop-phan-giam-ngheo..jpg
Hình minh họa

Ông Trần Nguyễn Khoa Đăng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề chia sẻ, để nguồn vốn ưu đãi theo Chỉ thị số 40 phát huy hiệu quả và thực hiện chính sách an sinh “không để ai bị bỏ lại phía sau”, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, đơn vị đã rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng có nhu cầu vay vốn để NHCSXH triển khai cho vay các chương trình tín dụng. Bên cạnh đó, phối hợp cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho người dân làm các thủ tục vay vốn, cũng như giám sát các đối tượng vay, tuyên truyền đến các hộ dân được vay phải sử dụng đúng mục đích.

Chỉ thị số 40 đã mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Trần Đề.

Kết quả hoạt động đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề đã đầu tư cho vay trên 543 tỷ 379 triệu đồng với 15.786 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, các hộ gia đình có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và trang trải các chi phí, đáp ứng nhu cầu thiết yếu cuộc sống; đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Đặc biệt, sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn huyện Trần Đề, doanh số cho vay đạt 1.072 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng từ 196 tỷ đồng năm 2014 lên 544 tỷ đồng, giúp cho hơn 43.757 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Bên cạnh đó, đã chuyển từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay với số tiền trên 9 tỷ 600 triệu đồng.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện và Ban đại diện NHCSXH huyện Trần Đề sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, đẩy nhanh các chương trình cho vay đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời cân đối nguồn lực, bố trí vốn chuyển sang Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, để các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước đề ra.

Còn tại huyện Châu Thành, với phương châm “không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, nhiều hội viên cựu chiến binh xã Thiện Mỹ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy được hiệu quả, những năm qua, hội luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện tốt công tác quản lý vốn ủy thác. Hội yêu cầu các tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Hội đặc biệt quan tâm giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn kịp thời.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành những chính sách ưu đãi để các cựu chiến binh có cuộc sống tốt nhất. Các chính sách dành cho cựu chiến binh hiện nay có hoạt động ủy thác cho vay được xác định là việc làm quan trọng giúp hội viên có việc làm, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành quản lý đạt 99 tỷ đồng với 6.611 hộ còn dư nợ, tăng trên 4,7 tỷ đồng so với đầu năm. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ hội viên cựu chiến binh đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm, từng bước phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hải Âu, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành cho biết, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, cán bộ NHCSXH luôn thể hiện sự tri ân sâu sắc với các hội viên cựu chiến binh bằng việc làm cụ thể là luôn ưu tiên các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên cựu chiến binh thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… vay vốn kịp thời, nhanh chóng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện 100% hội viên cựu chiến binh có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được xem xét hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những hiệu quả mà nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại, các cựu chiến binh ở xã Thiện Mỹ nói riêng và cựu chiến binh các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng nói chung bày tỏ mong muốn thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nâng mức cho vay và duy trì lãi suất ưu đãi để cựu chiến binh có thêm động lực phát triển kinh tế gia đình.

ThS.Trần Trọng Triết