Các Hiệp hội ngành, nghề

Tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) muốn trở thành “anh em” với TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Huyền {Ngày xuất bản}

Mối quan hệ giữa tỉnh Gyeongsangbuk và TP. Hồ Chí Minh đang ở cấp độ Thành phố Hữu nghị. Trong tương lai không xa, tỉnh Gyeongsangbuk mong muốn nâng mối quan hệ này lên mức “Thành phố anh em” - cấp độ cao nhất trong thang hợp tác quốc tế của các tỉnh ở Hàn Quốc.

ong-jang-dohwan-truong-van-phong-dai-dien-tinh-gyeongsangbuk-tai-tp.-hcm.jpg
Ông Jang Dohwan, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongsangbuk tại TP. HCM

Tỉnh Gyeongsangbuk và TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp tổ chức Lễ hội văn hóa thế giới TP. Hồ Chí Minh - Gyeongju từ năm 2017, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hai bên.

Sau sự kiện này, 2 địa phương chính thức ký biên bản ghi nhớ (MoU) xác lập quan hệ “Thành phố Hữu nghị”.

Trong khuôn khổ lễ hội Korean Festival 2024 diễn ra từ ngày 11 – 20/10, do Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) phối hợp Trung tâm Thương mại Estella Place tổ chức, ông Jang Dohwan, Trưởng Văn phòng đại diện tỉnh Gyeongsangbuk tại TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với báo chí về những kỳ vọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Phóng viên: Ông có thể giới thiệu đôi nét về Korean Festival 2024?

Ông Jang Dohwan: Korean Festival đã tổ chức được 5 lần và đây là năm thứ 4 chúng tôi tham gia chương trình này.

Tỉnh Gyeongsangbuk có thế mạnh về các mặt hàng như linh kiện ô tô, hàng điện tử,… nhưng ở sự kiện này tỉnh ưu tiên quảng bá các mặt hàng là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm của các công ty vừa và nhỏ.

Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt để tỉnh xúc tiến các sản phẩm này sang thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Tại sao tỉnh Gyeongsangbuk lại chọn các sản phẩm này mà không phải là các sản phẩm nào khác?

Ông Jang Dohwan: Xu hướng tiêu dùng giới trẻ Việt Nam đối với K-beauty đang tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng quan tâm đến các sản phẩm chức năng tốt cho sức khỏe dựa trên sự phát triển về kinh tế.

Nếu khách tham quan có phản ứng tốt về hàng hóa đến từ Hàn Quốc, thì từ sang năm, ngoài lĩnh vực trên, Korean Festival sẽ hướng tới quảng bá các sản phẩm gia dụng và sản phẩm điện tử.

Phóng viên: Ông đánh như thế nào về tiềm năng phát triển giữa tỉnh Gyeongsangbuk và TP. Hồ Chí Minh?

Ông Jang Dohwan: TP. Hồ Chí Minh là thành phố kinh tế lớn nhất của Việt Nam, với dân số vượt qua 10 triệu người và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.620 nghìn tỷ đồng vào năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 7%. Đây cũng là trung tâm logistics và công nghiệp của Đông Nam Á.

Ngành công nghiệp ô tô và linh kiện điện tử tại các thành phố như Gyeongsanbuk và Yeongcheon, ngành thép, pin lithium và công nghiệp điện hạt nhân tại Pohang và Gyeongju, cùng với ngành công nghiệp bán dẫn, quốc phòng, sinh học và hóa học tại Gumi, Andong và Yeongju, đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện chúng tôi đang xuất khẩu các nguyên liệu hóa học tinh khiết, linh kiện viễn thông và phụ tùng ô tô sang TP. Hồ Chí Minh, trong khi nhập khẩu máy móc, nguyên liệu dệt may và sản phẩm nông thủy sản từ thành phố này.

Tôi tin rằng, cơ sở hạ tầng công nghiệp của Gyeongsangbuk sẽ hỗ trợ nhiều cho Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh trong việc chuyển mình sang các ngành công nghiệp mới, như công nghệ thông tin và năng lượng tái tạo, khi đất nước đang tìm kiếm cơ hội phát triển.

Ngoài ra, hiện đang có hơn 250 doanh nghiệp/nhà máy đến từ tỉnh Gyeongsangbuk và TP. Daegu hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.

Khu vực quận 7 là nơi cư trú của khoảng 90.000 người Hàn Quốc. Nếu TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gyeongsangbuk có thể đẩy mạnh hợp tác với nhau thì hiệp hội này sẽ là sự hỗ trợ rất lớn.

Phóng viên: Ngoài xúc tiến thương mại, tỉnh có mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh Gyeongsangbuk?

Ông Jang Dohwan: Năm 2022, Hàn Quốc và Việt Nam kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện có khoảng 230.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc (đứng thứ 2), đây là chất xúc tác cho mối quan hệ khăng khít không thể tách rời của hai quốc gia.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Thương mại giữa Gyeongsangbuk với Việt Nam đã đạt 2,445 triệu USD (năm 2023). Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ năm và là nước nhập khẩu lớn thứ 13 của tỉnh chúng tôi.

Đặc biệt, vào tháng 11/2023, Thống đốc tỉnh Gyeongsangbuk, ông Lee Cheol-woo, đã đến thăm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, nhận bằng Tiến sĩ Danh dự đầu tiên ở châu Á, ông đã trực tiếp giảng bài bằng tiếng Việt cho sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Đáp lại, vào tháng 3/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Hải Quân, đã thăm tỉnh Gyeongsangbuk để tổ chức buổi giảng cho cán bộ công chức, cho thấy sự giao lưu và tình hữu nghị giữa hai địa phương ngày càng phát triển tốt đẹp.

Doanh nghiệp Hàn Quốc có thế mạnh về sản xuất ô tô và đang xuất khẩu vào Việt Nam, ngược lại họ cũng cần doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện phụ trợ ô tô.

Do vậy, tỉnh đang mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô, thiết bị điện tử, dệt may, cũng như tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vải, các sản phẩm dệt may sang Hàn Quốc.

Nguyễn Huyền