Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Hậu Giang: Tích cực hỗ trợ vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp

ThS.Trần Trọng Triết 16/10/2024 14:03

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo động lực cho kinh tế phát triển, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,0%/năm và các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 6,5% -10%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến từ 8,5% - 13%/năm.

lua-vang-chuoi-lien-ket.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang cho biết, đến nay một số chương trình tín dụng trọng điểm, cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ tín dụng đạt 3.344 tỷ đồng, tăng trưởng 18,25% so với cuối năm 2023. Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ tín dụng 4.292 tỷ đồng, tăng trưởng 11,97% so với cuối năm 2023.

Các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 4.322 tỷ đồng, tăng trưởng 5,88% so với cuối năm 2023. Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn có dư nợ tín dụng 25.795 tỷ đồng, tăng trưởng 6,54% so với cuối năm 2023. Cho vay lĩnh vực kinh tế tập thể dư nợ 363 tỷ đồng, tăng trưởng 13,44% so với cuối năm 2023.

Theo đó, cho vay xây dựng nông thôn mới toàn địa bàn có dư nợ tín dụng 17.305 tỷ đồng, tăng trưởng 3,92% so với cuối năm 2023. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp có doanh số cho vay đạt 8.041 tỷ đồng, tăng trưởng 16,74% so với cuối năm 2023, với 773 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

Các chương trình cho vay khác còn dư nợ tín dụng như cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/QĐ-TTg có dư nợ 4,35 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP dư nợ trên 13 tỷ đồng. Chương trình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN còn dư nợ 228 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có các chương trình dành cho khách hàng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Agribank chi nhánh Hậu Giang chia sẻ, so với đầu năm, dư nợ cho vay tăng 560 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay đến nay Agribank Hậu Giang thực hiện đạt 14.000 tỷ đồng. Để thực hiện cam kết đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank Hậu Giang đang thực hiện chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô 10.000 tỷ đồng. Chương trình thực hiện cho vay ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Với lãi suất giảm từ 1,3 - 1,5% và thời gian thực hiện đến cuối tháng 12/2024.

Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Agribank Hậu Giang cho biết, việc cho vay thông qua tổ vay vốn là rất tốt. Với mô hình cho vay qua tổ, Agribank Hậu Giang thực hiện đã mang lại hiệu quả. Hiện tại, trong tổng nguồn vốn của Agribank Hậu Giang thì dành thị phần địa bàn Hậu Giang chiếm 40%, dư nợ chiếm 33%, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 76%, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. Sắp tới đây, tỉnh sẽ làm việc với Agribank để triển khai, nhân rộng mô hình cho vay này trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt hiện nay, phần lớn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm từ 20 - 50% so với tổng dư nợ. Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc Ngân hàng VietinBank Hậu Giang cho biết, hiện tại cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh của đơn vị chiếm 30%, tương đương 1.500 tỷ đồng, chủ yếu cho vay về lúa gạo và chế biến nông sản.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Chức, Phó Giám đốc Sacombank Hậu Giang, từ nay đến ngày cuối 2024, Sacombank triển khai chương trình “Vươn tầm ưu đãi - Sải bước thành công”. Theo đó, miễn phí trọn gói hệ sinh thái dịch vụ doanh nghiệp và dành tặng hàng trăm phần quà giá trị, như: iPad Pro, vàng SBJ, cặp da doanh nhân cao cấp cho khách hàng doanh nghiệp.

Đối với khách hàng doanh nghiệp mới và khách hàng doanh nghiệp giao dịch trở lại trong thời gian diễn ra chương trình, Sacombank miễn phí 6 tháng liên tiếp gói dịch vụ tài khoản Business - Plus, bao gồm: phí quản lý tài khoản, phí nộp thuế trực tuyến; phí chuyển khoản đi trong/ngoài hệ thống; phí chi lương, phí chuyển tiền quốc tế qua eBanking và nhiều loại phí khác.

Bên cạnh đó, khách hàng có số dư tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản thanh toán có cơ hội nhận quà tặng hấp dẫn. Riêng khách hàng doanh nghiệp mới hoặc khách hàng đang tạm ngừng sử dụng dịch vụ chi lương, Sacombank áp dụng miễn phí chi lương 3 năm liên tiếp dành cho doanh nghiệp cùng hàng loạt ưu đãi dành cho chủ doanh nghiệp và cán bộ công nhân viên nhận lương. Miễn phí thường niên năm đầu tiên dành cho tất cả khách hàng doanh nghiệp mở mới thẻ doanh nghiệp, đồng thời miễn phí chọn tài khoản số đẹp khi khách hàng mở tài khoản thanh toán.

Tính đến nay, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt 43.200 tỷ đồng, tăng trưởng 7,98% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 23.081 tỷ đồng, chiếm 53,98% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 19.676 tỷ đồng, chiếm 46,02% tổng dư nợ.
Tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 23.500 tỷ đồng, tăng trưởng 3,41% so với cuối năm 2023, vốn huy động đáp ứng được 54,91% cho hoạt động tín dụng.

ThS.Trần Trọng Triết