Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn phát triển và thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp đô thị của TP. Hồ Chí Minh
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên, vì thế phát triển lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn trên địa bàn Thành phố có ý nghĩa quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng trưởng và phát triển bền vững.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với cơ cấu kinh tế thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong GRDP. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đóng góp vào GRDP của thành phố chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 1%). Với địa bàn 5 quận, huyện ngoại thành, đây là nơi sinh sống của trên 2 triệu người dân, khoảng 500.000 hộ, trong đó có khoảng 50.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên, vì thế phát triển lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn trên địa bàn Thành phố có ý nghĩa quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong quá trình đó, hoạt động tín dụng ngân hàng đóng góp quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn trên địa bàn theo định hướng của Thành phố “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”.
Kết quả này, phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
Thứ nhất, tín dụng ngân hàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn trên đia bàn. Đến nay tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này theo Nghịđịnh 55 đạt 345.581 tỷ đồng, cho 2,01 triệu khách hàng vay vốn, tăng 2% so với cuối năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh đạt:115.991 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này.
Thứ hai, tín dụng ngân hàng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh những cơ chế chính sách chung về hỗ trợ doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn còn có những cơ chế chính sách đặc thù: cho vay theo Nghị định 55; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các gói tín dụng ưu đãi như gói cho vay lâm sản, thủy sản… với lãi suất ưu đãi; khoản vay cho vay đa dạng và linh hoạt về kỳ hạn, phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp & nông thôn trên địa bàn, vì vậy mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng. Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực thu mua, sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này. Cụ thể, dư nợ cho vay thu mua tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu đạt 105.306 tỷ đồng, chiếm 30,4%; cho vay chế biến đạt 42.642 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp& nông thôn trên địa bàn.
Thứ ba, thực hiện tốt các chương trình tín dụng; các giải pháp và hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân và hợp tác xã trong lĩnh vực này. Trong đó, tổ chức thực hiện tốt chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới; giải ngân gói tín dụng lâm sản, thủy sản và làm tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đối với lĩnh vực này. Riêng giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản trên địa bàn đạt 3.041 tỷ đồng, cho 2.021 lượt khách hàng vay vốn, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của TCTD, đã trực tiếp hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản tại huyện ngoại thành Cần giờ phát triển.
Với kết quả này, để tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn trên địa bàn trong các tháng cuối năm, NHNN Thành phố sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố và Liên minh hợp tác xã tổ chức chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp lĩnh vực này vào ngày 17/10/2024 . Theo đó, thông qua việc giải ngân gói tín dụng lâm sản thủy sản; thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cho vay phát triển sản phẩm OCOP để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trong các tháng cuối năm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, đồng thời góp phần thực hiện tốt chương trình “phát triển nông nghiệp đô thị”; chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao; chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP của Thành phố.