Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Tiền Giang

ThS. Trần Trọng Triết 17/10/2024 - 09:45

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tiền Giang góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

Đáng chú ý, nhằm đồng hành cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, NHCSXH tại các địa bàn trong tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách, giải pháp để đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh và hiệu quả nhất.

Ví như tại NHCSXH huyện Cai Lậy. Để người dân hiểu rõ lợi ích của tín dụng chính sách, ngân hàng đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành Ngân hàng về các chương trình cho vay, cách tiếp cận vốn vay.

Nguồn vốn ủy thác và huy động hằng năm được NHCSXH huyện Cai Lậy giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. 20 năm qua, NHCSXH huyện đã triển khai 11 chương trình cho vay, giải ngân hơn 702 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nguồn vốn ưu đãi và nỗ lực vươn lên của từng gia đình, huyện Cai Lậy có hơn 13 nghìn hộ thoát nghèo; trên 9.400 lao động được giải quyết việc làm; hàng ngàn sinh viên có điều kiện tiếp tục đến trường; hơn 13.600 hộ xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, NHCSXH huyện Cai Lậy tăng cường củng cố, mở rộng hệ thống điểm giao dịch và nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn huyện có 247 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 16 điểm giao dịch lưu động tại các xã, giải quyết hơn 95% giao dịch của khách hàng.

Vốn vay được giải ngân trực tiếp tại điểm giao dịch với sự giám sát của các đoàn thể, chính quyền địa phương, giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, theo dõi mục đích sử dụng vốn, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích các hộ chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tăng thu nhập cho gia đình.

Hay tại huyện Cái Bè, NHCSXH đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần giúp huyện Cái Bè thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện Cái Bè đã cụ thể hóa và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo đó, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể huyện và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện làm nòng cốt tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan tín dụng chính sách xã hội, tăng cường mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo gắn với phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời, huyện luôn quan tâm và bổ sung kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH thực hiện chương trình tín dụng chính sách gắn với triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

tin-dung-chinh-sach-gop-phan-giam-ngheo-nhanh-va-ben-vung..jpg
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Tiền Giang. Nguồn: Internet

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cái Bè phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn, xây dựng điểm giao dịch và triển khai việc cung cấp các dịch vụ như cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, chi trả an sinh xã hội… qua đó, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt… Tính riêng ở Hội Nông dân huyện, tổng dư nợ ủy thác từ NHCSXH huyện hiện đạt trên 296 tỷ đồng, với gần 8.500 hộ hội viên vay, thông qua 188 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hiện nay, NHCSXH huyện Cái Bè đang thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt trên 584 tỷ đồng, tăng gần 15% so cùng kỳ, với trên 16.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn vay thông qua các chương trình như: Vay vốn phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững; giải quyết việc làm, vốn vay cho học sinh, sinh viên; sửa chữa, xây dựng nhà; công trình nước sạch và nhà vệ sinh…

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thật sự lan tỏa đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Thực tế cho thấy, dư nợ tín dụng chính sách liên tục tăng, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể, ở mức 0,24%, đã thể hiện công tác quản lý nguồn vốn vay luôn được huyện chú trọng, thực hiện có hiệu quả, giúp nhiều người dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều), từ 2,2% năm 2020 xuống 1,61% năm 2021; 1,32% năm 2022; 1,04% năm 2023 và phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dưới 1%, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

Đây là kết quả quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Mặt khác, khi thực hiện chủ trương về việc gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay mới, vay bổ sung… đã tháo gỡ nhanh khó khăn cho người nghèo khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Để tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn và hiệu quả công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn đến người dân. Bên cạnh đó, phối hợp tuyên truyền về trách nhiệm của hộ vay trong sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn vốn đúng hạn, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Ông Nguyễn Quốc Tỉnh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cây Lậy chia sẻ: “Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, “Phục vụ tại nhà, giải ngân thu nợ tại xã”, đơn vị đã phối hợp giải ngân, bảo đảm vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, phù hợp nhu cầu, tạo điều kiện cho hộ vay duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hằng năm, huy động được nguồn vốn từ ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững”.

Còn tại huyện Cái Bè, NHCSXH huyện cho biết cũng sẽ quan tâm hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về tầm quan trọng và ý nghĩa của tín dụng chính sách trong thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, huyện sẽ chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của bà con với các chương trình khuyến nông, giúp cho người vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hay tại NHCSXH huyện Chợ Gạo đã giải ngân 2,3 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 34 hộ vay với các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Nuôi bò, dê, kinh doanh, buôn bán...

Thời gian tới, NHCSXH huyện Chợ Gạo tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng, từ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn lực tài chính xã hội nhằm tạo lập nguồn vốn quy mô lớn để mở rộng cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ tiết kiệm và vay vốn để định hướng, tư vấn cho các hộ gia đình về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn. Tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả; đồng thời tích cực huy động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm để tăng nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

ThS. Trần Trọng Triết