Tăng cường các nguồn lực để tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng
Khẳng định tính cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo song một trong những vấn đề được đề cập đến là nguồn lực, trong đó có nguồn lực tài chính để triển khai.
Nhìn xa, trông rộng
Phát biểu tại Diễn đàn: “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng ngày 17/10, ông Hoàng Quang Phòng Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
“Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước…”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trong đó nổi bật là: Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020, của Bộ Chính trị, “về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chuyển dịch năng lượng thời gian tới; Quyết định 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, cũng đặt ra các mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh đến năm 2030 và năm 2050;
Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng xanh cho nền kinh tế, Việt Nam đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể trong Quy hoạch tổng thể về ngành năng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26/7/2023 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8).
Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, sau COP26, chúng ta đã thấy các cam kết quốc gia và doanh nghiệp ngày càng tăng đối với quá trình phi cacbon hóa và tính bền vững của môi trường, đặc biệt là về sử dụng năng lượng cho các hoạt động và chuỗi cung ứng.
Phong trào toàn cầu này đang đẩy nhanh đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và các tài sản khác để tạo ra một hệ thống điện phi cacbon hóa như một xương sống cốt lõi của nền kinh tế năng lượng các-bon thấp trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thủ tướng nêu bật những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết tại COP26. Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.
Theo kịch bản phát triển Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá và nhiên liệu sang điện năng, cùng các nguồn năng lượng phát thải thấp khác. Mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn. Mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện.
“Tương ứng với sự phát triển của thị trường năng lượng, Việt Nam cũng đã và đang xây dựng một chính sách phát triển năng lượng rõ ràng, dài hạn và có thể dự đoán được là điều kiện tiên quyết cho chuyển dịch năng lượng bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước…”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Tháo gỡ các nguồn lực
Để đạt được tầm nhìn dài hạn đó, ý kiến các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải các-bon trong dài hạn và trung hòa các-bon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội so với một lộ trình các-bon cao. Việc tháo gỡ các rào cản chính sách, tăng cường các nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ để thực hiện chiến lược giảm sâu phát thải các-bon
Tại Diễn đàn các ý kiến đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, nhận diện các thách thức như về tài chính chưa đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu. Các cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi. Về chính sách còn mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính rườm rà. Các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo….
Từ đó, các diễn giả đã gợi mở các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tại Việt Nam như cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính. Nhà nước và các tổ chức liên quan có thể giới thiệu và thúc đẩy các sản phẩm tài chính phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm tài chính ưu đãi, tài chính đa phương từ các ngân hàng phát triển đa phương và tài chính hỗn hợp, cùng với sự bảo lãnh từ tín dụng xuất khẩu (ECA) và các cơ chế tài chính khí hậu sáng tạo.
Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế khuyến khích khác nhau, chẳng hạn như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuê đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng. Thúc đẩy quan hệ đối tác để tạo ra các mô hình tài chính cung cấp các tùy chọn đầu tư dài hạn và giảm rủi ro tài chính cho dự án. Đối với thủ tục hành chính, cần đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng, đối với dự án mới.
Các dự án thuộc cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) tăng cường khung pháp lý để hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, các quy định về DPPA và khuyến khích sự tham gia với các bên liên quan để giải quyết các thắc mắc và đơn giản hóa việc tham gia mô hình DPPA của các nhà phát triển dự án và các đơn vị sử dụng điện lớn. Có các gói ưu đãi cho các công ty đầu tư, sản xuất vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy liên doanh và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mới…