Vấn đề - Nhận định

Bao trùm tài chính, hiểu biết tài chính và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Tri Nhân {Ngày xuất bản}

Kiến thức tài chính được coi là chìa khóa giúp hộ gia đình và doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế và tránh rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tài chính.

Thực hiện các cải cách hợp lí, nền kinh tế sẽ phát triển

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế lần thứ bảy với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp cùng Đại học Quốc gia Úc (ANU) đồng tổ chức ngày 17/10, GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), Nhật Bản, đánh giá, Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt, tạo tiền đề cho thương mại phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi và cơ hội, GS. Peter J. Morgan cũng nhận định, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững hơn. Cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Việt Nam cần đầu tư mạnh tay hơn để có thể tham gia vào cuộc đua đó.

Lấy ví dụ về lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam đang không theo kịp được với tốc độ đó. Để giải quyết vấn đề đó, GS. Peter J. Morgan cho rằng, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt với những cơ sở giáo dục. Nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực, nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá.

dsc_9926-copy-.jpg
GS. Peter J. Morgan - Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI), Nhật Bản

Phân tích về xu hướng phát triển toàn cầu và ảnh hưởng tới Việt Nam, GS. Peter J. Morgan nói: “Nhìn chung, nền kinh tế thế giới không quá tệ, chúng ta thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh. Nền kinh tế châu Âu thì có lẽ đang phát triển chậm hơn đôi chút. Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc lại đang gặp vấn đề về đất đai và bất động sản, cho nên nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đang tương đối thấp. Đã có một số thảo luận về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một môi trường có phần thách thức nhưng không quá tệ. Mặt khác, tôi không thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu hay điều gì tương tự. Vì vậy, nếu Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lí thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn”.

Bên cạnh đó, GS. Peter J. Morgan cũng gợi mở: Điều Việt Nam cần làm khá tương tự với Nhật Bản, đó là về việc cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hoá, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đưa ra những cải cách cần thiết và hợp lý. Từ đó sẽ giúp cải thiện mức thu nhập trung bình.

Fintech mang đến nhiều lựa chọn

Là 1 trong 3 diễn giả chính trình bày tại Hội thảo, bài trình bày của GS. Peter J. Morgan có chủ đề “Kiến thức tài chính và sử dụng công nghệ tài chính trong các doanh nghiệp gia đình: Bằng chứng từ các nước đang phát triển ở châu Á”.

Bài phát biểu nhấn mạnh đến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech) mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn về dịch vụ tài chính và giảm chi phí dịch vụ tài chính, đồng thời dự kiến ​​sẽ góp phần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và phúc lợi. Cú sốc đại dịch COVID-19 đã cung cấp bằng chứng để xem xét tác động của hiểu biết về tài chính và công nghệ tài chính. Đó cũng là khởi nguồn để vị giáo sư này đã nghiên cứu tác động của hiểu biết về tài chính và việc sử dụng Fintech đến kết quả kinh doanh của các công ty gia đình, hộ kinh doanh trong đại dịch COVID-19 ở các nước đang phát triển tại châu Á.

Theo GS. Peter J. Morgan, kiến thức tài chính là kiến ​​thức cơ bản về các khái niệm tài chính và khả năng áp dụng các kỹ năng tính toán trong bối cảnh tài chính. Kiến thức này giúp chủ doanh nghiệp so sánh các sản phẩm và dịch vụ tài chính và đưa ra các quyết định tài chính phù hợp, sáng suốt.

“Công nghệ tài chính đang thay đổi tài chính theo những cách cơ bản, từ quản lý đầu tư đến huy động vốn và chính bản thân hình thức tiền tệ. Đổi mới công nghệ tài chính đã giảm bớt rào cản gia nhập, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và thách thức sự hiểu biết truyền thống về cách thức hoạt động của tài chính”, GS. Peter J. Morgan nêu quan điểm.

dsc_9752-copy-.jpg
Quang cảnh hội thảo

Số liệu được GS. Peter J. Morgan đưa ra cho thấy, gần 40% doanh nghiệp gia đình sử dụng một số dịch vụ công nghệ tài chính. Trình độ hiểu biết tài chính cao hơn có liên quan tích cực và đáng kể đến việc sử dụng công nghệ tài chính trong doanh nghiệp gia đình và kết quả kinh doanh tốt hơn. Việc cải thiện hiểu biết tài chính của chủ doanh nghiệp gia đình có thể dẫn đến việc sử dụng công nghệ tài chính tốt hơn trong doanh nghiệp của họ và hiệu suất kinh doanh tốt hơn.

Thông điệp của GS.Peter J.Morgan là cần nâng cao hiểu biết về tài chính cho cá nhân, cho chủ doanh nghiệp, đặc biệt là hộ gia đình. Khi có nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết tài chính thì chủ doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ, hội kinh doanh đang có hiểu biết tài chính thấp hơn sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

“Thực tiễn cho thấy kiến thức tài chính là yếu tố dự báo mạnh mẽ cho kế hoạch nghỉ hưu và sự giàu có”, GS.Peter J.Morgan nhấn mạnh và cho rằng: “Những người có hiểu biết về tài chính càng cao thì càng có khả năng đầu tư vào thị trường chứng khoán và cũng có khả năng dự báo rủi ro hơn, do đó, kiếm được lợi nhuận cao hơn từ khoản đầu tư của họ. Những người có hiểu biết về tài chính cũng có khả năng quản lý nợ tốt hơn”.

Tri Nhân

Tri Nhân