Hoạt động ngân hàng

Vốn tín dụng “tiếp sức” lĩnh vực nông nghiệp tại An Giang

ThS. Trần Trọng Triết 19/10/2024 08:30

Vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính từ nguồn vốn tín dụng đó mà ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, đã thúc đẩy hội viên, nông dân tích cực lao động sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đáng chú ý, để hỗ trợ nông dân có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội nông dân trong tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh cho vay tới 41.241 hộ vay qua 851 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ tín dụng đạt 1.439 tỷ đồng, gồm 20 chương trình tín dụng (cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.....). Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân ở khu vực nông thôn.

Đặc biệt, các sở, ngành tỉnh phối hợp các doanh nghiệp bảo lãnh, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy nông nghiệp có chất lượng theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao kỹ thuật.

trong-dua-luoi-trong-nha-mang-o-an-giang..jpg
Vốn tín dụng “tiếp sức” lĩnh vực nông nghiệp tại An Giang

Kết quả đạt được đã phối hợp cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân 296 tấn phân bón trị giá 5,7 tỷ đồng; 51 tấn thuốc bảo vệ thực vật trị giá 8,1 tỷ đồng; 308 tấn giống và 88.500 cây, con giống các loại trị giá 8,6 tỷ đồng; 4,8 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá 1,24 tỷ đồng; 5 máy nông nghiệp trị giá trên 700 triệu đồng, giúp nông dân đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân.

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu ra cho nông dân, đã hỗ trợ đưa 26 sản phẩm nông nghiệp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; nâng tổng số đến nay được 2.501 sản phẩm lên sàn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Giải pháp thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân nhằm tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân.

Tăng cường công tác thông tin quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa; thực hiện giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hỗ trợ xây dựng cửa hàng nông sản an toàn để kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, OCOP của địa phương tại các huyện, thành phố, đảm bảo theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang chia sẻ, với vai trò chủ lực là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong thời gian qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã luôn nỗ lực hết mình để hỗ trợ kịp thời về vốn cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Vốn tín dụng cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55) dư nợ tín dụng đạt 75.218 tỷ đồng, tăng 6,66% so với cuối năm 2023, chiếm 62,09% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 18.566 tỷ đồng, tăng 11,68%; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.092 tỷ đồng, tăng 7,78%; cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã với số tiền là 5.480,6 triệu đồng; cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ) đạt 77,26 tỷ đồng, tăng 54,09%; cho vay chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản: 648,87 tỷ đồng, với 36 khách hàng. Riêng dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.093 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2023.

Nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng An Giang được kỳ vọng sẽ là hậu thuẫn quan trọng để tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả hướng đột phá quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đề ra.

Tính đến nay, tổng số dư vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt là 71.060 tỷ đồng, tăng 2,46% so cuối năm 2023. Dư nợ cấp tín dụng đạt 121.147 tỷ đồng, tăng 7,66%.

Chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt tốt, nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3%. Nợ xấu chiếm 1,87%/tổng dư nợ.

Cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế.

Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

ThS. Trần Trọng Triết