Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ: Cắt giảm lãi suất lúc này là rất rủi ro
Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ, ông Shaktikanta Das cho biết việc cắt giảm lãi suất ở giai đoạn này sẽ “rất, rất rủi ro” và ông không vội tham gia làn sóng nới lỏng của các nhà hoạch định chính sách toàn cầu.
Bên lề Diễn đàn Tín dụng Ấn Độ ở Mumbai ngày 18/10, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) – Ngân hàng trung ương của Ấn Độ nói rằng, mặc dù lạm phát dự kiến sẽ ở mức vừa phải nhưng vẫn có “những rủi ro đáng kể” đối với triển vọng tương lai. Ông cho biết, động lực lạm phát và tăng trưởng được cân bằng tốt, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần phải thận trọng trước áp lực giá cả.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ lãi suất cơ bản không thay đổi trong gần 2 năm, mặc dù tuần trước đã phát tín hiệu có thể chuẩn bị nới lỏng sau khi thay đổi lập trường chính sách sang trung lập. Điều đó xảy ra khi các ngân hàng trung ương trên thế giới theo chân Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc giảm lãi suất, trong đó Thái Lan là quốc gia mới nhất gây bất ngờ với việc cắt giảm trong tuần này.
Trả lời câu hỏi về việc nới lỏng của ngân hàng trung ương toàn cầu, Thống đốc Das cho biết “chúng tôi sẽ không bỏ lỡ nhưng chúng tôi không muốn tham gia bất kỳ ‘bữa tiệc’ nào”.
Trái phiếu Ấn Độ kéo dài tổn thất sau những bình luận của Thống đốc RBI, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng tới 4 điểm cơ bản, mức nhiều nhất trong hai tuần qua, lên 6,82%.
Thống đốc Das phản đối một số quan điểm của nhà phân tích cho rằng RBI đã “đi sau” trong việc cắt giảm lãi suất. Ông cho biết, các hành động của Ngân hàng trung ương phù hợp với những kỳ vọng của thị trường, đồng thời trích dẫn quyết định chính sách vào tuần trước đã được hầu hết các nhà kinh tế dự đoán.
Gaurav Kapur, kinh tế trưởng tại IndusInd Bank Ltd, cho biết: “Nhận xét của Thống đốc cho thấy việc cắt giảm lãi suất có thể không xảy ra trước tháng 2 hoặc thậm chí có thể bị trì hoãn nếu lạm phát thực tế không đạt mục tiêu”. “Dựa vào tình hình tăng trưởng thuận lợi mà Uỷ ban chính sách có thể tiếp tục tập trung vào việc ổn định giá cả”, chuyên gia này nhận định.
Bình luận của Thống đốc Das hôm thứ Sáu là phản ứng công khai đầu tiên của ông bởi dữ liệu tuần này cho thấy lạm phát tháng 9 tăng nhanh hơn dự kiến . Theo Thống đốc Das, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 sẽ vẫn ở mức cao trước khi giảm nhẹ vào tháng 11. Điều đó khiến cho thời điểm cắt giảm lãi suất trở nên không chắc chắn, khiến một số nhà kinh tế đưa ra dự báo về thời điểm cắt giảm lãi suất từ tháng 12 đến năm sau.
Thống đốc Shaktikanta Das cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất ở giai đoạn này có thể là quá sớm và có thể rất, rất rủi ro”. Ông nói thêm: “Khi lạm phát là 5,5% và dự kiến tương lai cũng sẽ cao, không thể tiến hành cắt giảm lãi suất ở giai đoạn đó.”
Chưa tham gia làn sóng chung
Thống đốc Das đã nhiều lần bày tỏ RBI muốn thấy lạm phát ổn định quanh mức mục tiêu 4% một cách lâu dài trước khi xem xét cắt giảm. Phó Thống đốc Michael Patra đã chỉ ra rằng điều đó sẽ không xảy ra cho đến năm tài chính bắt đầu vào ngày 1/4.
“Chúng tôi muốn chờ đợi và xem,” Thống Das nói. “Nếu chúng tôi muốn tham gia vào làn sóng chung, chúng tôi muốn làm điều đó một cách lâu dài. Ông nói thêm, “khi chúng tôi có sự tự tin, con số lạm phát sẽ phù hợp lâu dài với mục tiêu 4% của chúng tôi, đây có thể là tình huống có thể nghĩ đến việc “nới lỏng”.
Thống đốc cho biết hành động chính sách tiền tệ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới cũng như triển vọng lạm phát trong 6 tháng đến 1 năm tới.
Những bình luận tương đối diều hâu của Thống đốc RBI được đưa ra trong bối cảnh có bằng chứng gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Ấn Độ đang bắt đầu giảm dần và lợi nhuận của các công ty đang suy yếu.
Tuy nhiên, RBI lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng so với sự đồng thuận của thị trường và thậm chí cả chính phủ. Thống đốc RBI tuần trước đã giữ nguyên dự báo cho năm tài chính hiện tại ở mức 7,2%, trong khi dự báo của chính phủ thấp hơn, ở mức 6,5% -7%.
Về tiền tệ, Thống đốc đã nhắc lại rằng RBI không cố gắng quản lý tỷ giá hối đoái và đồng Rupee đã mất giá phù hợp với sự biến động chung của đồng đô la Mỹ.
Ông nói, RBI đang xây dựng quỹ dự trữ ngoại hối của mình như một “mạng lưới an toàn” để bảo vệ trước mọi bất ổn từ dòng vốn không ổn định. Ông nói thêm rằng ngân hàng trung ương không có mục tiêu cụ thể để xây dựng dự trữ ngoại hối.
Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ lớn thứ tư thế giới, gần đây đã vượt mốc 700 tỷ USD khi RBI thu hút dòng vốn USD để giữ ổn định đồng Rupee.