Vấn đề - Nhận định

Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới

Tri Nhân 20/10/2024 08:30

Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.

Đây là điểm đáng chú ý trong Báo cáo chỉ số tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser (Canada) vừa công bố. Báo cáo cho thấy tự do kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, với mức suy giảm từ 6,8 điểm năm 2019 xuống còn 6,56 điểm năm 2022.

Báo cáo cho thấy, điểm tự do kinh tế toàn cầu đã giảm liên tiếp trong 3 năm qua, xóa bỏ hơn một thập kỷ tăng trưởng của chỉ số này. Trong khối ASEAN, đứng đầu là Singapore (2) và tiếp đến lần lượt là Malaysia (29), Phillipines (59), Indonesia (59), và Thái Lan (65). Việt Nam (99).

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Việt Nam cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng từ 6,17 điểm năm 2019 lên 6,23 điểm năm 2022. Xét về thứ hạng, Việt Nam tăng từ thứ 123/165 lên 99/165 trong cùng thời kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam vị trí xếp hạng của Việt Nam nằm trong nhóm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu.

Những ghi nhận về điểm số và thứ hạng của Việt Nam trong chỉ số Tự do kinh tế thế giới phản ánh Chính phủ Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế kịp thời thân thiện với thị trường để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

ktxh.jpg

Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát là điểm sáng

Xét về các chỉ số thành phần, quy mô chính phủ là lĩnh vực có điểm số và thứ hạng suy giảm nhiều nhất so với năm trước, nguyên nhân chính là mức thuế thu nhập và lương bổng cận biên cũng như tỷ lệ sở hữu tài sản nhà nước còn quá cao, không có sự cải thiện so với các quốc gia khác trên thế giới.

Hệ thống pháp lý và quyền tài sản không có sự thay đổi về điểm số so với năm trước, dẫn đến thứ hạng sụt giảm 1 bậc, từ 77 xuống 78.

Lĩnh vực Đồng tiền vững mạnh đã có sự cải thiện đôi chút về điểm số (tăng từ 6,95 lên 6,98) nhưng cũng đủ để giúp thứ hạng tăng mạnh từ 116 lên 105. Kiểm soát tăng trưởng cung tiền và lạm phát tiếp tục là điểm sáng tại Việt Nam.

Ở lĩnh vực tự do thương mại quốc tế, Việt Nam tăng điểm nhưng lại tụt hạng xuống vị trí 113. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đạt kết quả tốt ở các tiểu thành phần liên quan đến mức thuế quan và đã được ghi nhận có sự cải thiện về rào cản pháp lý trong thương mại quốc tế. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục nhận đánh giá thấp về độ mở thị trường tài chính.

Điểm nhấn chính sách nhìn từ tự do kinh tế

Quan sát điểm số và thứ hạng chỉ số Tự do kinh tế thế giới của Việt Nam từ năm 2000 đến nay, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh – thành viên nhóm chuyên gia đối tác xây dựng báo cáo của Viện Fraser cho biết, năm 2011 là năm đánh dấu sự chuyển mình của Việt Nam về tư duy điều hành kinh tế thông qua các chương trình tái cơ cấu kinh tế sâu rộng. Về cơ bản, đó là sự từ bỏ tư duy chính sách kích cầu dễ dãi thông qua khu vực doanh nghiệp nhà nước vì mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn.

Công tác điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ hàng năm luôn đặt ổn định vĩ mô làm ưu tiên hàng đầu. Nhờ ổn định vĩ mô, nền kinh tế dần dần bộc lộ một loạt điểm nghẽn cản trở sự vận hành của thị trường. Chính phủ đã kiên định tìm kiếm các giải pháp mở rộng tự do kinh tế cho người dân và doanh nghiệp thông qua các giải pháp như: giảm gánh nặng thuế khoá cho doanh nghiệp; cắt giảm gánh nặng quy định hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; mở cửa thương mại quốc tế; thu hút nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện chất lượng đầu tư công... Tất cả các giải pháp này tựu chung đã tạo ra tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững trong hơn một thập kỷ vừa qua.

Chỉ số tự do kinh tế thế giới đã ghi nhận những thay đổi tích cực này của Việt Nam, với sự cải thiện thứ hạng liên tục. Tuy trong 4 năm (2019-2022) thứ hạng của Việt Nam đã tăng đáng kể nhưng điểm số thì lại tăng khá chậm, một phần là do đại dịch COVID-19. Điều này đặt ra những thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới.

Tri Nhân