Bộ Tài chính: Các địa phương còn tâm lý sợ sai trong giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia
Bộ Tài chính vừa có công văn số 11123/BTC-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn các chương trình mục tiêu quốc gia nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2024.
Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến hết tháng 8/2024 đạt 36,7% tổng kế hoạch vốn giao trong năm 2024; trong đó, vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) từ nguồn ngân sách trung ương đạt 43,5% (khoảng 11.838 tỷ đồng). Cụ thể: CTMTQG Xây dựng nông thôn mới (NTM) giải ngân vốn ngân sách trung ương là 3.840,781 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch vốn giao trong năm). Nhiều nội dung thành phần của CTMTQG này đạt kết quả giải ngân cao (trên 40% kế hoạch vốn địa phương giao).
Riêng nội dung thành phần số 03 (Tiếp tục thực hiện có hiệu qủa cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn) giải ngân thấp nhất (đạt 23,4%); CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân vốn ngân sách trung ương là 6.018,038 tỷ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn giao trong năm 2024); CTMTQG Giảm nghèo bền vững giải ngân 1.979,496 tỷ đồng (đạt 36,7% kế hoạch vốn giao trong năm 2024.
Đến hết tháng 8/2024, 9 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ giải ngân trên 60% trở lên gồm: Hậu Giang (87,6%), Vĩnh Long (74,3%), Ninh Thuận (74,2%), Tiền Giang (65,7%), Bạc Liêu (65%), Lâm Đồng (64,9%), Thanh Hóa (64,5%), Yên Bái (63,2%), Trà Vinh (61%). Tuy nhiên vẫn còn 6 tỉnh có tỷ lệ giải ngân dưới 30%: Bình Phước (6,5%), Hà Tĩnh (13,8%), Cà Mau (18,1%), Hòa Bình (24,6%), Phú Yên (25,3%), Thái Bình (26,9%); trong đó Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững.
Giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG còn rất thấp mới chỉ đạt 13,2% tổng dự toán thực hiện trong năm (bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm 2024). Cụ thể: CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giải ngân vốn ngân sách trung ương là 448,357 tỷ đồng (đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm); CTMTQG Giảm nghèo bền vững giải ngân vốn ngân sách trung ương là 1.917,066 tỷ đồng (đạt 17,7% tổng dự toán thực hiện trong năm bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm); CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân vốn ngân sách trung ương là 2.005,971 tỷ đồng (đạt 10,2% tổng dự toán thực hiện trong năm bao gồm dự toán kéo dài từ các năm trước và dự toán giao trong năm).
Đến hết tháng 8/2024, 14 tỉnh có lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG đạt tỷ lệ giải ngân từ 20% trở lên so với tổng dự toán thực hiện trong năm 2024 bao gồm: Đồng Tháp (20,8%), Cà Mau (20,1%), Gia Lai (20,9%), Bắc Giang (21,2%), Quảng Nam (21,4%), Thanh Hóa (22%), Sóc Trăng (24%), Thừa Thiên Huế (24,5%), Khánh Hòa 24,8%, Nghệ An (27%), Bình Định (26,8%), Ninh Thuận (36,2%), Tuyên Quang 23,4%, Hà giang (29%). Bên cạnh đó, vẫn còn 14 tỉnh chưa thực hiện giải ngân hoặc có lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện các CTMTQG dưới 10% so với tổng dự toán thực hiện.
Hiện nay, việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn còn vướng mắc do một số nguyên nhân như: Báo cáo nghiên cứu khả thi các CTMTQG được tổng hợp, báo cáo trên nền số liệu từ năm 2019, 2020. Vì vậy, khi thực hiện chương trình số đối tượng thụ hưởng chính sách đã giảm lớn dẫn đến nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung về không có đối tượng để thụ hưởng chính sách kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp.
“Các địa phương còn tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là trong triển khai giải ngân nguồn vốn chi thường xuyên; chậm tổ chức triển khai thực hiện (chậm phân bổ kế hoạch vốn, giao dự toán; chậm lập, phê duyệt dự án đầu tư, đối tượng hỗ trợ); Địa phương còn lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu mới, các gói mua sắm vật tư, nguyên vật liệu phải thực hiện đấu thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia nên mất nhiều thời gian hơn, trong khi giá cả giá nguyên vật liệu xây dựng biến động nhiều nên các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình và đến tiến độ giải ngân vốn”, Bộ Tài chính nhận định.
Bên cạnh đó, mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG; tuy nhiên, nhiều địa phương còn e dè trong việc thực hiện các cơ chế đặc thù như chậm ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán NSNN, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN thực hiện các CTMTQG; chưa thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp quản lý cho cấp huyện,...
Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Các chủ Chương trình/Dự án/Tiểu dự án/Nội dung thành phần và UBND kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương để hướng dẫn, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban bành cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 Khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phân bổ vốn; trường hợp đã phân bổ vốn, đề nghị gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương thực hiện bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, rà soát và phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương và mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG.