Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách ở Bến Tre sát cánh cùng người nghèo

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Nguồn vốn tín dụng chính sách của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bến Tre cho vay vốn ưu đãi các chương trình người nghèo, các đối tượng chính sách đã giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh bớt đi một phần khó khăn về kinh phí sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là cho con em ăn học, góp sức nuôi dưỡng ước mơ của các em...

Bà Trần Lam Thùy Dương, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bến Tre chia sẻ, tính đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 4.437 tỷ đồng, tăng hơn 414 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nguồn vốn trung ương đạt trên 3.509 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt trên 637 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương trên 290 tỷ đồng, chiếm 6,54% nguồn vốn ủy thác cho vay.

Doanh số cho vay đạt trên 1.277 tỷ đồng, tăng hơn 362 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước. Doanh số thu nợ trên 869 tỷ đồng, tăng 611 tỷ đồng so cùng kỳ. Tổng dư nợ đạt trên 4.427 tỷ đồng, tăng hơn 408 tỷ đồng so đầu năm, với 119.552 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương đạt 4.155 tỷ đồng, tăng 8,37% so đầu năm; dư nợ nguồn vốn địa phương tăng 47,33%.

lam-thu-tuc-vay-von-nhcsxh..jpg
Tín dụng chính sách ở Bến Tre sát cánh cùng người nghèo

Trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến tận tay 4.488 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, 308 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,… với nhiều nỗ lực tận tâm phục vụ, tín dụng chính sách đã trở thành người bạn đồng hành, tiếp sức cho 1.051 hộ gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn theo đuổi ước mơ được đến trường, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Tỉnh ủy.

Đáng chú ý, để đẩy mạnh khơi thông nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, hệ thống NHCSCX tỉnh không ngừng chỉ đạo các phòng giao dịch huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh tăng cường triển khai thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2024 đúng quy định.

Đơn cử, huyện Chợ Lách có diện tích đất nông nghiệp hơn 11.400ha, chủ yếu là sản xuất cây giống, hoa kiểng với hơn 8.600 hộ trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 28 triệu cây giống, hoa kiểng các loại. Huyện có 11 đơn vị hành chính với 31.687 hộ gia đình, đến cuối năm 2023, trên địa bàn huyện còn 673 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,1%, 840 hộ cận nghèo, chiếm 2,6%.

Sau khi tiếp nhận Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện đã triển khai, quán triệt đến các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chợ Lách.

Đồng thời, tích cực phối hợp, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến đến các chi bộ, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân tăng cường mọi nguồn lực để hỗ trợ giúp đỡ người nghèo và quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH huyện thực hiện các chương trình tín dụng, gắn với kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Cấp ủy, chính quyền các cấp xem đây là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu trọng tâm, thường xuyên và luôn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn theo quy định được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo nhanh và bền vững.

Phòng Giao dịch huyện tích cực phối hợp với hệ thống chính trị triển khai thực hiện và duy trì 13 chương trình tín dụng ưu đãi. Tính đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 454 tỷ đồng, tăng hơn 301 tỷ đồng (tăng 196,6% so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW), giúp cho gần 12 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay. Chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đã thành lập được 267 Tổ tiết kiệm và vay vốn; xây dựng 11 điểm giao dịch tại các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay nhanh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, thực hiện công tác chuyển đổi số. Đến nay, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 97,9%, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kéo giảm qua các năm, hiện nay chỉ còn 0,35% so với tổng dư nợ.

Ông Lê Huy Vũ, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, để đạt được kết quả trên, công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn luôn được cấp ủy, chính quyền rất quan tâm. Việc phối hợp điều tra, rà soát, bình nghị, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo luôn kịp thời và đúng theo quy định; cung cấp chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn cũng như danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đủ điều kiện nhưng có nhu cầu vay vốn để ngân hàng có giải pháp giúp đỡ phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ gia đình.

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều tấm gương điển hình thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách được huyện biểu dương và nhân rộng.

Bà Trần Lam Thùy Dương, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bến Tre cho biết, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 của Ban Bí thư và Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2024 đúng quy định; thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; hoàn thành kế hoạch kiểm tra giám sát đã xây dựng.

ThS. Trần Trọng Triết