Chứng khoán

Số dư tiền gửi sẵn sàng mua cổ phiếu có quý thứ 2 liên tiếp sụt giảm

Bảo Vy 23/10/2024 - 10:03

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vào cuối quý III/2024 đạt khoảng 91.000 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với quý II/2024 và là quý thứ 2 liên tiếp lượng tiền gửi sẵn sàng mua cổ phiếu sụt giảm so với quý liền trước.

ck1.jpeg

Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các công ty chứng khoán (CTCK), số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại CTCK vào cuối quý III/2024 đạt khoảng 91.000 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng so với quý liền trước. Trước đó, với 95.000 tỷ đồng số dư tiền gửi vào cuối quý II, con số này đã giảm 9.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục vào cuối quý I/2024 với 104.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi tạo đỉnh vào quý I/2024, số dư tiền gửi của khách hàng đã có 2 quý liên tiếp sụt giảm so với quý liền trước.

Đây hầu hết là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm ngày 30/9/2024.

CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất vẫn thuộc về VPS với gần 22.900 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với quý liền trước và tăng gần 6.300 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Tiền gửi tăng trở lại trong bối cảnh thị phần môi giới của VPS trên sàn HoSE đạt 17,63%, giảm so với thị phần 18,16% của quý II và mức 20,29% của quý I.

screenshot-2024-10-23-at-09.42.50.png

Một số CTCK khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng tăng tốt như VNDIRECT với 7.400 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ, Mirae Asset đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 621 tỷ đồng.

Trong khi đó, TCBS giảm hơn 3.000 tỷ đồng, số dư tiền gửi khách hàng chỉ còn 8.000 tỷ đồng, mức giảm mạnh nhất trong quý III trong khi thị phần trên HoSE chỉ giảm nhẹ, đạt 7,09%.

Tương tự, tiền gửi khách hàng tại SSI cũng giảm gần 1.100 tỷ đồng xuống 6.343 tỷ đồng, MBS giảm 942 tỷ đồng, xuống còn 4.328 tỷ đồng.

Trong khi số dư tiền gửi của nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu có quý thứ 2 liên tiếp sụt giảm, thì dư nợ cho vay tại các CTCK lại lập kỷ lục mới. Số liệu thống kê cho thấy con số này thời điểm cuối quý III/2024 ước đạt 225.000 tỷ đồng, tăng 18.000 tỷ đồng so với đỉnh hồi cuối quý I. Trong đó, dư nợ margin ước tính lên đến 232.000 tỷ đồng, cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.

Theo Fiin Trade, tỷ lệ đòn bẩy (Tỷ lệ giữa Margin/Tổng vốn hóa điều chỉnh theo free-float) và tỷ lệ margin/giá trị giao dịch bình quân duy trì ở mức cao trong quý III/2024. Điều này cho thấy dư nợ margin tăng thêm không giúp đẩy nhanh vòng quay giao dịch trên thị trường (do gia tăng cho vay theo “deal” – thỏa thuận).

Cùng với đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục gia tăng. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 1,57 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,8 triệu tài khoản, tương đương gần 9% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

screenshot-2024-10-04-at-15.41.49.png

Mặc dù số lượng tài khoản gia tăng nhưng thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm trong quý III vừa qua, bình quân xuống dưới 14.000 tỷ đồng/ phiên trên HoSE. Không loại trừ khả năng một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.

Chứng khoán hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hoặc an toàn như gửi tiết kiệm. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng Việt Nam đang ở mức cao chưa từng có, đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024. Số tiền này đã tăng thêm hơn 305.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương ứng với mức tăng trưởng 4,68%.

Kỷ lục giá vàng cũng liên tục được ghi nhận trong thời gian qua, do đó, không ngoại trừ khả năng dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư khác ngoài chứng khoán, mặc dù định giá của thị trường được đánh giá tương đối hấp dẫn.

Chứng khoán SSI dự báo, chứng khoán Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đi lên trong quý IV/2024 và năm 2025. Bức tranh vĩ mô tiếp tục phục hồi rõ nét và kỳ vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) bởi FTSE Russell sẽ thúc đẩy dòng vốn mạnh mẽ hơn từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến mạnh hơn vào cuối năm 2024 và 2025 sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán tiếp tục với xu hướng đi lên.

Bảo Vy