Hoạt động ngân hàng

An Giang triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

ThS. Trần Trọng Triết 24/10/2024 - 12:06

Sáng ngày 24/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang tổ chức Hội nghị triển khai chương trình cho vay liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

z5962250739054_29e7c7eb0762d97546b436e62e4d7acc.jpg
An Giang triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

Tại hội nghị ông Trần Thanh Hiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thông tin về xác định tiểu vùng chuyên canh đủ điều kiện tham gia chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo trên địa bàn.

Theo đó, An Giang đang tập trung triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao). Với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, các sở, ngành tỉnh và địa phương, quá trình triển khai đề án đã có những bước tiến tích cực.

Cụ thể, ngành nông nghiệp đã thực hiện 22 mô hình theo quy trình sản xuất 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch của năm. Trong đó, có 18 mô hình thực hiện theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, với diện tích 900ha; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với diện tích 52ha. Ngoài ra, còn có các mô hình khác thực hiện theo một trong các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 165ha.

Trong công tác quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện đề án ở các huyện đã tham gia các dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (Dự án WB9) ở Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên. Từ đó, sẽ mở rộng tại các huyện có các vùng sản xuất tập trung, như: Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới.

Về điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất, An Giang có 14 doanh nghiệp kinh doanh gạo được Bộ Công Thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Tổng năng lực của các doanh nghiệp này có sức chứa gần 406.000 tấn lúa và 370.000 tấn gạo; công suất xay xát 325 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng 390 tấn gạo/giờ. Ngoài ra, còn có 18 doanh nghiệp ngoài tỉnh đặt kho tại An Giang, với sức chứa đạt 151.000 tấn lúa, 251.000 tấn gạo.

Trong các giải pháp khoa học - công nghệ phục vụ đề án, nông dân đang canh tác các giống lúa chất lượng cao, như: Đài thơm 8, OM 18, Nàng hoa 9, Nếp, Lúa nhật, ĐS1, Jasmine 85… chiếm 85% diện tích xuống giống. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các viện, trường, nhà khoa học trong, ngoài tỉnh nghiên cứu, phát triển các giống lúa triển vọng, chất lượng cao bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh, góp phần thực hiện thành công đề án. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, dự kiến tháng 11/2024 sẽ chạy thử phần mềm, đến tháng 12/2024 đưa vào sử dụng.

Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trung bình của các khâu trong sản xuất lúa đạt 68,75 % so tổng diện tích xuống giống năm 2023 (tăng hơn 7% so năm 2022), tạo tiền đề thuận lợi phục vụ Đề án. Trong công tác truy xuất nguồn gốc, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện được 466 mã số, diện tích 15.538,96 ha. Trong đó, lúa có 131 mã số, với diện tích 7.921,78 ha.

Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao có hiệu quả, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ, bộ ngành rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo, như: Đất đai, thuế, tín dụng… để thuận lợi tổ chức liên kết sản xuất và tiệu thụ lúa với hợp tác xã, nông dân.

Đồng thời, đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện đề án trong năm 2024, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2025. Rà soát hiện trạng vùng sản xuất để có cơ sở dữ liệu cụ thể của từng tiểu vùng, đưa ra biện pháp thực hiện thêm những tiêu chí phù hợp. Thường xuyên cập nhật các thông tin và hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân thực hiện đúng theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT.

Về lĩnh vực vốn tín dụng ngân hàng đã cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông dân đạt dư nợ đạt 75.218 tỷ đồng, tăng 6,66% so với cuối năm 2023, chiếm 62,09% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua chế biến xuất khẩu lúa gạo đạt 18.566 tỷ đồng, tăng 11,68% so với cuối năm 2023.

Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 16.092 tỷ đồng, tăng 7,78% so với cuối năm 2023. Cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã: hiện tại ngành Ngân hàng An Giang đã hỗ trợ vốn tín dụng cho 1 HTX, cụ thể: Agribank An Giang đang hỗ trợ vốn tín dụng cho 1 HTX làm dịch vụ tưới tiêu, cho vay tài sản giữ hộ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ với hạn mức tín dụng là 700 triệu đồng, dư nợ hiện tại 164 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các thành viên hoặc Hội đồng quản trị của HTX đã thế chấp tài sản cá nhân để vay vốn tại các ngân hàng thương mại như: Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội (huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành), Ngân hàng Bản Việt, ACB, Vietcombank,… với số tiền khoảng 5.480,6 triệu đồng.

Cho vay ứng dụng công nghệ cao khác (hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ): đạt khoảng 77,26 tỷ đồng, tăng 54,09% so với cuối năm 2023. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.093 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm 2023. Dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 2,71 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 20 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 93.551 tỷ đồng.

Tại hội nghị các đại biểu nêu ra những vấn đề xoay quanh việc hỗ trợ vốn tín dụng của Đề án phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Đại diện ngành Ngân hàng trên địa bàn đã phúc đáp đầy đủ các câu hỏi của doanh nghiệp và hợp tác xã nêu ra, đáng chú ý Agribank An Giang sẽ tham gia cho vay Chương trình phục vụ nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thu trong chuỗi liên kết lúa gạo bằng nguồn vốn huy động của đơn vị. Đồng thời chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm. Trường hợp khách hàng vay không còn tham gia liên kết lúa gạo theo xác định của UBND tỉnh, ngân hàng Agribank An Giang thực hiện chuyển khoản vay về khoản vay thông thường không áp dụng mức lãi suất cho vay Chương trình.

ThS. Trần Trọng Triết