Vĩnh Long: Đẩy mạnh vốn tín dụng phục vụ kinh tế địa phương
Với tinh thần chủ động, quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tổ chức triển khai đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng để phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vốn tín dụng
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ trong hoạt động tín dụng.
Qua đó, đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để triển khai các chính sách tín dụng, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tiếp tục rà soát, đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định cho vay; rà soát và xem xét miễn giảm các loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân liên quan việc tiếp cận vốn vay chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Bên cạnh đó, cũng sắp xếp lại mạng lưới các chi nhánh ngân hàng thương mại theo hướng hiệu quả, hợp lý để đáp ứng các nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn; chấp hành đúng quy định về trần lãi suất cho vay và huy động, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay tiếp tục giảm đối với cho vay mới theo các chương trình, gói tín dụng cụ thể và điều chỉnh giảm đối với các khoản nợ cũ, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh…
Báo cáo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long cho thấy, đến nay số dư nguồn vốn huy động đạt 52.157 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cho vay đạt 48.524 tỷ đồng, tăng 3,52% so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu là 1.850 tỷ đồng, chiếm 3,81 %/tổng dư nợ, tăng 0,95 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Giúp giảm nghèo bền vững
Từ nhiều nguồn lực, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng chính sách của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, với các chương trình mục tiêu quốc gia,... để duy trì và mở rộng việc làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cận nghèo.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là 537,6 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 231,1 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 306,5 tỷ đồng). Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,46% (hiện toàn tỉnh còn 302/8.735 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số); mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số là 75,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đạt 70%.
Đáng chú ý, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đến nay đạt 3.993 tỷ đồng, tăng 459 tỷ đồng so với đầu năm 2024.
Tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay 996 tỷ đồng, với 24.622 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tập trung vào chương trình cho vay: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ mới thoát nghèo; hộ cận nghèo;...
Tổng doanh số thu nợ đầu năm đến nay đạt 538 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 3.986 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng gần 13%. Tính đến ngày 30/9/2024, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt loại tốt.
Theo báo cáo từ NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, 9 tháng năm 2024, kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua ủy thác với 4 hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, có doanh số cho vay đạt 977 tỷ đồng, với 24.794 lượt hộ vay.
Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình: hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ mới thoát nghèo; hộ cận nghèo;...
Trong số đó, doanh số cho vay thông qua ủy thác Hội Liên hiệp Phụ nữ là 406 tỷ đồng; Hội Nông dân 331 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 150 tỷ đồng và Đoàn Thanh niên 90 tỷ đồng.
Kết quả đến nay tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể đạt 3.947 tỷ đồng (chiếm 99% tổng dư nợ), với 101.647 khách hàng còn dư nợ. Mức cho vay bình quân 38,8 triệu đồng/hộ.
Toàn tỉnh có 2.148 tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua 4 hội đoàn thể nhận ủy thác. Bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng chính sách luôn được các bên quan tâm chú trọng.
Trong khoảng 4 năm (ước đến hết năm 2024), tỉnh triển khai hỗ trợ vay vốn tín dụng cho 108.444 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vay đi làm việc ở nước ngoài, giải quyết việc làm, nước sạch, nhà ở, vệ sinh môi trường,... với trên 3.700 tỷ đồng.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, tổng số hộ nghèo là 2.808 hộ (tỷ lệ 0,95%); tổng số hộ cận nghèo là 7.105 hộ (tỷ lệ 2,4%). Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022-2023 bình quân 0,56%, vượt kế hoạch đề ra (0,41 %/năm). Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,54% (giảm 0,41 %/năm).