Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2024
Hội nghị Thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2024 đã diễn ra thành công từ ngày 21-26/10/2024 tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Đoàn công tác Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu, cùng với đoàn Bộ Tài chính do Thứ trưởng Võ Thành Hưng là trưởng đoàn, đại diện Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tham dự Hội nghị. Hội nghị năm nay mang ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu cột mốc 80 năm thành lập hai tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu thế giới - IMF và WB, vào năm 1944.
Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để đáp ứng những thách thức của thời đại, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, trao quyền cho người lao động, thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng và đảm bảo các thể chế đại diện cho tất cả các quốc gia thành viên. Ông cũng thông báo Hoa Kỳ đã cung cấp thêm hơn 20 tỷ USD cho IMF và WB đã giải ngân được hơn 140 tỷ USD các khoản vay mới.
Với chủ đề "Đảm bảo hạ cánh mềm và bứt phá khỏi đường mòn tăng trưởng thấp - nợ cao", Hội nghị đã tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng toàn diện trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức như phân mảnh địa kinh tế, biến đổi khí hậu và các thách thức tăng trưởng trung hạn. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh vai trò của IMF trong việc xây dựng tầm nhìn trung hạn để hỗ trợ tốt nhất cho các nước thành viên thông qua việc cải tiến công cụ giám sát vĩ mô, đổi mới các thể thức cho vay và tăng cường tiếng nói của các nước hội viên.
Về tình hình kinh tế toàn cầu, bà Georgieva nhận định lạm phát toàn cầu đang có xu hướng giảm dần, từ mức 5,7% trong quý IV năm ngoái xuống còn 5,3% trong quý hiện tại và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 3,5% vào quý IV năm 2025. Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt với quỹ đạo tăng trưởng thấp - nợ cao, với GDP toàn cầu dự báo tăng trưởng ở mức trung bình khiêm tốn 3,2% mỗi năm trong 5 năm tới, trong khi nợ công toàn cầu có thể vượt quá dự báo cơ sở tới 20% GDP thế giới.
Bà Georgieva cũng nhấn mạnh 3 thông điệp chính gửi tới các nước thành viên về việc tái tạo các bộ đệm tài khóa, đầu tư vào cải cách thúc đẩy tăng trưởng và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu. Đặc biệt, IMF đã tăng cường hỗ trợ các nước thành viên thông qua hoạt động cho vay, với tín dụng ưu đãi từ Quỹ Giảm nghèo và Tăng trưởng đã tăng gấp ba lên 28 tỷ USD, đồng thời đã có 20 quốc gia nhận được các khoản vay dài hạn từ Quỹ Khả năng chống chịu và Bền vững để hỗ trợ các chính sách tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Về vai trò của IMF, bà Georgieva cho biết tổ chức này đã tăng cường hỗ trợ các nước thành viên thông qua cả hoạt động cho vay và tư vấn chính sách. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, IMF đã thiết lập kỷ lục về cả tổng khối lượng cho vay và số lượng quốc gia được hỗ trợ. Đặc biệt, tín dụng ưu đãi từ Quỹ Giảm nghèo và Tăng trưởng đã tăng gấp ba lên 28 tỷ USD. Bên cạnh đó, trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi ra mắt, 20 quốc gia đã nhận được các khoản vay dài hạn từ Quỹ Khả năng chống chịu và Bền vững để hỗ trợ các chính sách tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Về phía WB, Chủ tịch Ajay Banga đã nhấn mạnh nỗ lực của WB trong việc xây dựng một tổ chức nhanh hơn, đơn giản hơn và hiệu quả hơn. Ông cho biết WB đã rút ngắn thời gian phê duyệt dự án từ trung bình 19 tháng xuống còn 16 tháng và đặt mục tiêu giảm xuống 12 tháng vào tháng 6 năm sau. WB cũng đã triển khai Khung Đối tác Quốc gia thống nhất với 21 giám đốc quốc gia phụ trách chung cho toàn bộ Nhóm WB (IBRD, IDA, MIGA và IFC) tại các quốc gia, và sẽ mở rộng thêm 20 quốc gia vào đầu năm tới.
Thời gian qua, WB đã triển khai nhiều biện pháp nhằm (i) tăng cường năng lực cho vay như áp dụng các biện pháp về vốn theo Khung G20 và tối ưu hóa bảng cân đối, qua đó đảm bảo bổ sung năng lực cho vay của IBRD lên 150 tỷ USD trong 10 năm tới; và (ii) điều chỉnh chi phí vay IBRD để đảm bảo các quốc gia thu nhập trung bình có thể tiếp cận vốn vay với điều kiện tốt hơn. Đặc biệt, các quốc gia nhỏ đủ điều kiện áp dụng điều khoản nợ thích ứng với khí hậu sẽ được vay với mức lãi suất thấp nhất.
Bên cạnh đó, WB cũng đã triển khai nhiều sáng kiến tài chính mới như cung cấp tài chính 50 năm cho hàng hóa công cộng toàn cầu không tính thêm chi phí, cung cấp các khoản vay ngắn hạn 7 năm với lãi suất thấp hơn, và thành lập Quỹ Hành tinh Đáng sống (Livable Planet Fund) với vốn ban đầu 200 triệu USD. WB cũng đặt mục tiêu kép về tài trợ khí hậu, cam kết dành 45% tổng tài trợ của IBRD và IDA cho khí hậu vào năm 2025, với một nửa dành cho thích ứng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, WB sẽ tăng gấp đôi cam kết về tài chính nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp lên 9 tỷ USD hàng năm vào năm 2030, tập trung hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ.
Chủ tịch Banga cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân là một ưu tiên quan trọng. WB đã và đang triển khai nhiều giải pháp sáng tạo như thiết lập cơ chế chia sẻ rủi ro tỷ giá, phân bổ rủi ro giữa khu vực tư nhân, chính phủ và WB cho các dự án dài hạn; nghiên cứu sử dụng tiền gửi nội tệ dư thừa tại các ngân hàng thương mại trong nước để tăng cường cho vay bằng nội tệ. Gần một phần ba khoản vay hiện nay của IFC đang được tài trợ bằng đồng nội tệ. Bên cạnh đó, WB sẽ sớm công bố một số sáng kiến mới như Quỹ Cơ hội Cận biên (Frontier Opportunities Fund) nhằm khuyến khích khu vực tư nhân thông qua việc chia sẻ rủi ro và xây dựng thị trường giao dịch cho một loại tài sản mới được tạo ra từ việc chứng khoán hóa các khoản vay vì mục tiêu phát triển.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã tham gia tích cực nhiều hoạt động quan trọng bên cạnh các Phiên họp toàn thể như Hội nghị bàn tròn giữa Tổng Giám đốc IMF với các Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN. Thống đốc cũng đã có các cuộc gặp song phương quan trọng với lãnh đạo cao cấp của IMF và WB như bà Anna Bjerde, Giám đốc Điều hành phụ trách hoạt động và bà Manuela Ferro; Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Kenji Okamura, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF; gặp và làm việc với Giám đốc Điều hành Nhóm nước Đông Nam Á (SEAGV) tại IMF và WB.
Tại các cuộc làm việc trong khuôn khổ Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chúc mừng kỷ niệm 80 năm thành lập IMF-WB và đánh giá cao hỗ trợ cả về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách mà IMF, WB dành cho Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với khủng hoảng và bất ổn toàn cầu, xử lý rủi ro liên quan đến khí hậu, đảm bảo ổn định và phát triển hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, toàn diện, số hóa và công bằng xã hội.
Thống đốc đặc biệt ghi nhận sự hỗ trợ kịp thời của WB cho các nước hội viên thông qua việc cắt giảm chi phí vay IBRD kể từ ngày 15/10/2024, thể hiện sự ghi nhận của Ban lãnh đạo WB đối với đề xuất từ các quốc gia. Mong muốn WB tiếp tục có sự rút gọn quy trình phê duyệt và linh hoạt trong quá trình đàm phán để sớm giải quyết những khó khăn vướng mắc trong đàm phán hiệp định dự án. Nhân dịp này, Thống đốc cũng truyền tải tới các Lãnh đạo WB quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư công, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Về triển khai dự án, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đứng đầu để làm việc với WB nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và trong thời gian tới Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hài hòa hóa thủ tục hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và triển khai dự án tại Việt Nam.
Về tình hình kinh tế Việt Nam, Thống đốc cho biết dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và giám sát hiệu quả. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,8%, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,8%, khu vực tiền tệ và ngân hàng ổn định, các chỉ số tài khóa đạt kết quả tốt. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Thống đốc cũng chia sẻ về ba đột phát chiến lược của Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26 và vấn đề già hóa dân số, Thống đốc đề nghị trong thời gian tới, IMF, WB, IFC tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ và NHNN trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững và toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường lựa chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức các hội thảo/sự kiện về những chủ đề mới, có tác động lớn tới hoạt động của nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Bên lề Hội nghị, Thống đốc cũng đã có các buổi tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Mizuho; Phó Chủ tịch Toàn cầu của Visa và một số buổi làm việc song phương cấp kĩ thuật khác với Ngân hàng Trung ương Pháp và các đơn vị chuyên môn của IMF… nhằm thắt chặt quan hệ và tăng cường thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên cùng quan tâm.