Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng Bạc Liêu: Gia tăng vốn tín dụng những tháng cuối năm

ThS. Trần Trọng Triết 28/10/2024 - 11:25

Với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các chi nháng ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã tích cực cho vay và thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, chia khó cùng người dân và doanh nghiệp.

ngan-hang-day-manh-tang-truong-tin-dung-nhung-thang-cuoi-nam.-2-.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh

Cùng với việc ban hành nhiều giải pháp trong khơi thông dòng vốn tín dụng thương mại và tín dụng chính sách tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng thuận tiện nên tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong 9 tháng năm 2024 đạt 31.047 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.

Từ nguồn vốn huy động này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ cho vay đạt 43.995 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tăng chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế thế mạnh động lực tăng trưởng của tỉnh, như: xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Cụ thể: cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, dư nợ đạt 17.343 tỷ đồng, chiếm 39,42% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu với dư nợ tín dụng đạt 3.633 tỷ đồng, chiếm 8,26%/tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với dư nợ tín dụng đạt 8.676 tỷ đồng, chiếm 19,72%/tổng dư nợ…

Đơn cử, góp phần vào sự tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, Agribank Bạc Liêu có tăng trưởng tín dụng đạt cao nhất và đầu tư cho nông nghiệp nông thôn với hơn 12.100 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, cùng với việc giảm lãi suất cho vay, tăng cường đầu tư vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh, các tổ chức tín dụng còn tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 231 tỷ đồng gốc và 43 tỷ đồng lãi. Qua đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, có điều kiện tái đầu tư và duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.

Phát huy kết quả đạt được và góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Ông Lê Văn Măng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu cho biết, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn từ nay đến cuối năm cần tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán…

Các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình, Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, chủ động tổ chức hội nghị làm việc, kết nối, đối thoại, chia sẻ với khách hàng hiệp hội, bàn bạc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Song song đó, tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (60.000 tỷ đồng). Chủ động tiếp cận đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng và kịp thời có các giải pháp phù hợp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn mặn để khách hàng an tâm, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất…

Đẩy mạnh tín dụng chính sách

Một trong những chương trình góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh chính là đồng vốn đầu tư từ hệ thống NHCSXH trên địa bàn.

Việc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai sâu rộng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư, quản lý vốn.

Các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đã không ngừng phát huy hiệu quả đầu tư và góp phần quan trọng vào giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023, có gần 100% hộ thoát nghèo đều nhờ vào vay vốn của hệ thống NHCSXH trên địa bàn, góp phần giảm 3.347 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,25% (đầu năm 2023) giảm xuống còn 1,77% vào cuối năm 2023; giúp 8.540 hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn để sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 9.513 lao động, nâng tổng số lao động được vay vốn giải quyết việc làm lên gần 21.500 lao động. Trong đó: nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động.

Bên cạnh đó, xây dựng và sửa chữa 12 căn nhà cho đối tượng thu nhập thấp theo Nghị định 100 của Chính phủ, đưa tổng số hộ được thụ hưởng chính sách về nhà ở lên 7.482 hộ; xây dựng 13.390 công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở khu vực nông thôn, nâng tổng số lên 30.091 công trình được đầu tư xây dựng…

Cùng với đó, hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách đã có sự chuyển biến về ý thức trong sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, nhằm mục đích thoát nghèo, chuyển biến về ý thức vay - trả. Nhiều hộ nghèo đã cải thiện được đời sống, nâng cao mức sinh hoạt nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Có được nguồn vốn vay, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, làm dịch vụ…, không chỉ tạo thu nhập ổn định mà còn tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp nhất là ở vùng nông thôn. Nhiều mô hình làm ăn, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã… đã được duy trì và phát triển

Ngoài ra, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm các chi phí của người vay và thực hiện công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, đến nay, NHCSXH tỉnh đã đặt 64 điểm giao dịch tại 64 xã, phường trên toàn tỉnh. Tại các điểm giao dịch được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bảng tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ người dân một cách tốt nhất…

Cùng với công tác giảm nghèo, đồng vốn chính sách xã hội còn góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, cơ bản đã đáp ứng và giải quyết được một phần khó khăn cho người nghèo về vốn. Các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai và phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đời sống người nghèo không ngừng được cải thiện, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững và kết quả giảm nghèo của tỉnh hằng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra.

Cùng với các nguồn lực tập trung đầu tư thực hiện xây dựng nông thôn mới, như: đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn, xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa..., nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp địa phương tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... Từ đó góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

ThS. Trần Trọng Triết