Tăng trưởng lợi nhuận trái chiều của 2 doanh nghiệp “họ” Viettel
Trong khi Viettel Construction duy trì được lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng so với cùng kỳ, thì Viettel Global lại chứng kiến lợi nhuận giảm sâu do lỗ tỷ giá, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế (Viettel Global, mã VGI) và Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã CTR) là 2 trong số 4 công ty thành viên niêm yết trên sàn chứng khoán của Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024.
Kết quả kinh doanh quý III của 2 doanh nghiệp "họ" Viettel cho thấy doanh thu vẫn tăng trưởng 2 chữ số nhưng lợi nhuận lại có sự tăng, giảm trái chiều.
Viettel Global giảm lãi do lỗ tỷ giá
Trong quý III vừa qua, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.130 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính lại âm 909 tỷ đồng trong kỳ do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (cùng kỳ ghi nhận dương 1.678 tỷ đồng).
Trừ đi các chi phí, Viettel Global báo lãi sau thuế 622 tỷ đồng, giảm 56% so với quý III năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái còn 178 tỷ đồng.
Theo lý giải của Viettel Global, nguyên nhân lợi nhuận quý III giảm sâu chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối kỳ giảm 2.473 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng (tăng khoảng 1.685 tỷ đồng) do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của hầu hết các công ty thị trường tăng trưởng như Movitel tại Mozambique tăng 21%, Natcom tại Haiti tăng 28%, Telemor tại Đông Timor tăng 20%, Metfone tại Campuchia tăng 7%, Lumitel tại Burundi tăng 80%, Halotel tại Tanzania tăng 15%.
Bên cạnh đó, doanh thu của các công ty ví điện tử cũng tăng trưởng như M_mola (Mozambique) cũng tăng 80%, Halopesa (Tanzania) tăng 45%, Lumicash (Burundi) tăng 82%, Emoney (Cambodia) tăng 16%.
Ngoài ra, lãi từ các công ty liên kết tăng trưởng 126% so với cùng kỳ (đạt gần 116 tỷ đồng). Đồng thời, chi phí trích lập dự phòng giảm 668 tỷ đồng so với cùng kỳ khi dòng tiền thu hồi từ thị trường tốt giúp Viettel Global cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay, tạo ra khoản lợi nhuận tài chính góp phần làm tăng lợi nhuận.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Viettel Global đạt 25.724 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 6.037 tỷ đồng và 3.477 tỷ đồng, tương ứng gấp gần 3 lần và 4,4 lần cùng kỳ, lợi nhuận ròng thậm chí gấp 55,6 lần cùng kỳ, đạt 2.313 tỷ đồng. Với mức lãi sau thuế trên, lỗ lũy kế của công ty đến cuối quý III đã giảm còn 1.026 tỷ đồng, từ mức 3.377 tỷ đồng hồi đầu năm.
Năm 2024, công ty lên kế hoạch đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 31.746 tỷ đồng, tương đương với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.477 tỷ đồng, tăng 41,2%. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 81% chỉ tiêu doanh thu và vượt 12% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Cùng với sự cải thiện trong kết quả kinh doanh, quy mô tài sản của Viettel Global cũng tăng đáng kể so với đầu năm (tăng 13,7%), lên 59.663 tỷ đồng. Trong đó, chiếm 55% tổng tài sản, tương đương 33.023 tỷ đồng là khoản tiền và tiền gửi ngân hàng (tăng gần 43% so với đầu năm). Lượng tiền gửi này đã đem về hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của công ty cũng tăng 16,7% so với đầu năm lên hơn 25.600 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả ngắn hạn khác và thuế, trong khi tổng nợ vay đến cuối kỳ giảm 9% xuống 2.680 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 đạt 34.060 tỷ đồng.
Viettel Construction kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ phủ sóng 5G
Ngược lại với Viettel Global, trong quý III/2024 Viettel Construction lại tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận với lãi sau thuế đạt 146 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt mức lợi nhuận kỷ lục 143 tỷ đồng của quý IV năm ngoái.
Tuy nhiên, kết quả này phần nhiều nhờ doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý bù đắp cho sự sụt giảm của lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính. Trong kỳ, dù doanh thu thuần của công ty tăng 12,7% lên 3.475 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng mạnh hơn (14,2%) khiến lợi nhuận gộp giảm gần 5% so với cùng kỳ, xuống 221 tỷ đồng. Đồng thời, doanh thu tài chính cũng giảm 46% xuống 12,3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, Viettel Construction ghi nhận doanh thu thuần gần 9.108 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 387 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,1% và 4% so với cùng kỳ.
Năm nay, Viettel Construction kỳ vọng sẽ tiếp tục phá đỉnh doanh thu và lợi nhuận của năm 2023 với mục tiêu đạt 12.653 tỷ đồng doanh thu và 532 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 3,1%. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 72,7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp “họ” Viettel này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý IV và các năm tiếp theo, đặc biệt là hưởng lợi từ việc phủ sóng 5G. Theo đó, từ ngày 16/10, Việt Nam đã chính thức tắt sóng 2G để phát triển những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G. Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp mạng 5G, phủ sóng tại 63 tỉnh, thành.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, với hệ sinh thái gắn liền với công ty mẹ Viettel, bao gồm xây lắp viễn thông, vận hành hạ tầng và TowerCo sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Viettel trong trung và dài hạn, đến từ nhu cầu đẩy nhanh phủ sóng 5G theo định hướng của Chính phủ từ nay đến năm 2030.
Viettel Construction đang nắm vị thế là TowerCo số một thị trường với tổng số trạm BTS cho thuê đạt 6.436 trạm tính đến hết 2023, cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là OCK Vietnam Tower (TowerCo độc lập đến từ Malaysia). Viettel Construction dự kiến từ nay đến 2030 phấn đấu tăng số trạm BTS đạt tổng công 30.000-50.000 trạm, tương đương kế hoạch triển khai khoảng 3.000-4.000 trạm/năm, để đảm bảo quá trình phủ sóng đạt 99% dân số từ nay đến năm 2030.
MBS kỳ vọng mũi nhọn tăng trưởng TowerCo sẽ bùng nổ trong giai đoạn này, khi xu hướng đi thuê và chia sẻ hạ tầng được khuyến khích. Với kế hoạch phát triển khoảng 3.000 trạm/năm trong 2024-2026, hỗ trợ doanh thu tăng trưởng mạnh đạt 35% CAGR. Tỷ lệ dùng chung dự kiến cải thiện khoảng 2% mỗi năm và là yếu tố quan trọng hỗ trợ biên lợi nhuận. Theo đó, EBITDA 2024-2026 có thể tăng trưởng 38% CAGR.
Theo dự phóng của MBS, tăng trưởng doanh thu của Viettel Construction giai đoạn 2024-2026 sẽ đạt 13% CAGR, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận ròng đạt 14% CAGR. Trong đó, ngoài đầu tàu tăng trưởng doanh thu là hoạt động TowerCo, các mảng kinh doanh còn lại dự kiến tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 11% CAGR.