Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững
Ngày 29/10/2024, tại Khách sạn JW Marriott Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024.
Hội thảo và triển lãm được tổ chức với mục tiêu kết nối những lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu trong ngành tài chính - ngân hàng, cung cấp góc nhìn chuyên sâu về các công nghệ mới nhất, góp phần tìm ra những chiến lược đột phá nhằm xây dựng một tương lai số an toàn và bền vững cho ngành Ngân hàng.
Tham dự sự kiện năm nay, về phía ngành Ngân hàng, có: ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN; ông Lê Hoàng Chính Quang - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN; cùng đại diện các đơn vị, vụ, cục thuộc NHNN...
Về phía các bộ, ngành, có ông Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; ông Nguyễn Việt Hà, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính; ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng đại diện các đơn vị, vụ, cục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ…
Sự kiện còn có sự tham dự của bà Nguyễn Vân Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn IEC; cùng các diễn giả, khách mời là những CEOs, CIO, CISO, COO và đại biểu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý hệ thống… đến từ các ngân hàng thương mại, công ty công nghệ, công ty Fintech trong nước và quốc tế như: Techcombank, TPBank, Mastercard, Viettel, ST Engineering…; các nhà tài trợ và đối tác truyền thông.
Ngân hàng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số
Phát biểu tại phiên toàn thể của sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được.
Cụ thể, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.
Phó Thống đốc nhận định, tỷ lệ số hoá của ngành Ngân hàng là rất cao và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đối với quá trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,…
“Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành Ngân hàng đã làm được”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa.
Thông tin về sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ứng dụng di động và các giải pháp thanh toán điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
"An ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo", ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được coi trọng.
Trong đó, toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khẳng định ngân hàng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, vì tiên phong nên đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rủi ro lớn hơn.
“Là lĩnh vực đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, giá trị tài sản trên không gian mạng của ngành Ngân hàng là rất lớn nên ngày càng trở thành mục tiêu của các chiến dịch tấn công mạng quy mô", ông Lê Văn Tuấn nhận định.
Xây dựng tương lai số an toàn và bền vững cho ngành Ngân hàng
Khuyến nghị giải pháp liên quan đến bảo mật thông tin trong ngành Ngân hàng, ông Lê Văn Tuấn đưa ra 5 khuyến cáo gồm:
Một là, thực hiện triệt để quy định của pháp luật về an toàn thông tin, đặc biệt là thực hiện đúng, đủ các quy định đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ hệ thống.
Hai là, từng đơn vị có kế hoạch chiến lược toàn diện đảm bảo an toàn thông tin cho chính tổ chức bằng các biện pháp giám sát, bảo vệ, phản ứng nhanh và phương án phục hồi.
Ba là, đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường khả năng phòng thủ thông qua con người. Cục trưởng Cục An toàn thông tin kỳ vọng, ngành Ngân hàng thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập thực chiến nhằm phát hiện các lỗ hổng trong hệ thống của từng ngân hàng; đồng thời, thiết lập liên quân để cùng nhau, sẵn sàng ứng phó với các sự cố.
Bốn là, đào tạo nâng cao nhận thức chung cho toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Năm là, thực hiện nghiêm việc chia sẻ thông tin để cùng rút kinh nghiệm.
Ở góc độ NHNN, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, NHNN cho hay, thời gian tới, NHNN cùng các NHTM và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần phối hợp, tiếp tục rà soát, đánh giá, đôn đốc các mục tiêu đặt ra trong Quyết định 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện thể chế; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An để triển khai các ứng dụng liên quan Đề án 06.
Mặt khác, không ngừng nâng cao năng lực hạ tầng, an ninh an toàn trong hệ thống hoạt động và truyền thông nâng cao nhận thức người dùng, nâng cao hiểu biết về gian lận quan không gian mạng.
Diễn tập thực chiến tấn công, phòng thủ không gian mạng
Trong khuôn khổ hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024, chương trình diễn tập thực chiến tấn công, phòng thủ không gian mạng DF Cyber Defense 2024 đã diễn ra với sự góp mặt của 46 tổ chức tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và khoảng 180 chuyên gia an toàn, an ninh mạng.
Chương trình diễn tập hướng tới nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách an toàn thông tin trong các ngân hàng, tổ chức tài chính, đồng thời giảm thiểu thời gian xử lý và ứng phó với những công nghệ tấn công mới.
Mỗi đội tham gia đều được được cấp một hệ thống. Nhiệm vụ của các đội là triển khai tấn công vào hệ thống của các đội khác để ghi điểm, bên cạnh việc bảo vệ hệ thống của mình không bị những đội khác tấn công.
Sau hơn 3 tiếng diễn tập thực chiến, giải Nhất đã thuộc về đội chuyên gia của ACB, 2 giải Nhì thuộc về VIB, Giao Hàng Tiết Kiệm; 2 giải Ba thuộc về 3 nhóm chuyên gia của Sacombank, VNPay, VPBank.
Qua diễn tập, nhân sự kỹ thuật của các ngân hàng, tổ chức tài chính đã nâng cao được nhận thức, kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin; có thêm kinh nghiệm ứng phó với các tình huống tấn công mạng.
Một số hình ảnh Đoàn lãnh đạo tham quan các gian hàng triển lãm