Hoạt động ngân hàng

Mở hướng thoát nghèo ở Đồng Nai

ThS. Trần Trọng Triết {Ngày xuất bản}

Với việc phát huy hiệu quả của những “cánh tay nối dài”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã thu được những kết quả ấn tượng; đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, những năm gần đây với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã góp phần tích cực trong việc mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn ở Đồng Nai… Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn cũng đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

mo-huong-thoat-ngheo-o-dong-nai..jpg

Thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng tại từng đơn vị để chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp với từng địa bàn.

Đến nay, tại Đồng Nai nhờ nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình, thoát được nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương... Đáng chú ý, các huyện/thành phố trên địa bàn đã chủ động chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang hệ thống NHCSXH với trên 264 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2023 và hoàn thành 132,2% kế hoạch năm 2024.

Điều này góp phần đưa tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh Đồng Nai đang quản lý đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 1,5 nghìn tỷ đồng là vốn từ ngân sách địa phương. Đồng thời, hệ thống NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện các chương trình cho vay với gần 36,5 nghìn khách hàng được tiếp cận vốn chính sách trong 9 tháng của năm 2024.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác... hệ thống NHCSXH trên địa bàn đã đẩy mạnh phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã. Nhờ vậy, mạng lưới hoạt động của hệ thống NHCSXH đã được “phủ sóng”, đến tất cả các xã, phường, thị trấn, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chương trình tín dụng chính sách đến người dân; vận động tổ viên tham gia gửi tiết kiệm; đồng thời hướng dẫn người vay thiết lập hồ sơ vay vốn, tổ chức họp bình xét cho vay và giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả...

Qua đó, toàn tỉnh hiện có 127,2 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn chính sách. Hệ thống NHCSXH tỉnh cùng các địa phương, tổ chức, đoàn thể nhận vốn ủy thác tiếp tục đảm bảo cho vay đúng đối tượng.

Những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Đồng Nai trong 9 tháng năm 2024 cũng như sự phối hợp chặc chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã phát huy hiệu quả cao, giúp chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao…

Để phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn, thời gian tới, hệ thống NHCSXH tỉnh Đồng Nai và các sở, ngành cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Trong quá trình xây dựng Đề án đầu tư tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 phải bảo đảm cơ sở pháp lý, dự báo tình hình sát thực để hoàn thiện nội dung có tính khả thi cao.

Đặc biệt, những tháng còn lại của năm 2024, tiếp tục trung bám sát nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị năm 2024 để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; đôn đốc các địa phương chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay; đánh giá chính xác tỷ lệ hộ nghèo để triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung. Đảm bảo, duy trì chất lượng tín dụng một cách ổn định, bền vững…

Có thể nói, với việc phát huy hiệu quả của những “cánh tay nối dài” đã góp phần để hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Đồng Nai trong những năm qua thu được những kết quả ấn tượng; đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế trên địa bàn.

ThS. Trần Trọng Triết