Công nghệ

Ngân hàng châu Á - Thái Bình Dương tăng cường áp dụng các biện pháp bảo mật và công nghệ tiên tiến ứng phó với vấn nạn gian lận, lừa đảo

Minh Ngọc 30/10/2024 14:16

Tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC), gian lận đang trở thành vấn nạn đi kèm với việc thâm nhập nhanh chóng của các giao dịch kỹ thuật số và ngân hàng trực tuyến. Để giải quyết những rủi ro này, các tổ chức tài chính trong khu vực đang áp dụng các biện pháp bảo mật mới và ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

image(10).png

Nghiên cứu mới của NICE Actimize - công ty chuyên cung cấp các giải pháp tội phạm tài chính, rủi ro và tuân thủ, sau khi thu thập thông tin từ 114 chuyên gia về rủi ro gian lận trên 9 thị trường APAC vào cuối năm 2023 và phát hiện ra rằng, hệ thống thanh toán và ngân hàng trực tuyến đã trở thành mối quan tâm chính của các chuyên gia về rủi ro gian lận ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, 66% chuyên gia xác định, đây là mối đe dọa phổ biến nhất trong 1 năm gần đây.

Điều này nhấn mạnh, lượng người tiêu dùng kỹ thuật số đang mở rộng trong khu vực và sự phát triển của các hệ thống thanh toán số đã dẫn đến các vụ gian lận trên không gian mạng gia tăng; đồng thời cho thấy, các tổ chức tài chính đang phải gặp khó khăn và dễ bị tấn công trước bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tinh vi hơn.

Tần suất của các vụ gian lận này cũng là mối quan tâm lớn, với gần 1/2 chuyên gia (49%) nói rằng, tổ chức của mình phải đối mặt với rủi ro gian lận trong thanh toán và ngân hàng số ít nhất 1 lần/tháng. Cá biệt, 8,5% chuyên gia cho biết gặp phải tình trạng như vậy "gần như hàng ngày".

Khi được hỏi về xu hướng tấn công gian lận ngân hàng số, gần 2/3 (64%) chuyên gia cho biết nhận thấy sự gia tăng trong 12 tháng qua.

Chuyển đổi số đi kèm với rủi ro gian lận tăng lên

Trong vài năm qua, APAC đã trải qua cuộc cách mạng ngân hàng số được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ, các chính sách hỗ trợ và kỳ vọng ngày càng thay đổi của người tiêu dùng.

Đến nay, hơn 40 ngân hàng số đã ra mắt trên khắp châu Á, giúp khu vực này trở thành một trong những hệ sinh thái ngân hàng số phát triển và tiên tiến nhất thế giới.

Năm 2022, 11/20 ngân hàng số có lợi nhuận trên toàn thế giới có trụ sở tại APAC, cho thấy các ngân hàng số APAC thành công hơn so với các đối tác châu Âu hoặc Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, thành công này là do các đặc điểm của khu vực, bao gồm dân số lớn không có tài khoản ngân hàng, văn hóa di động mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng cũng mang đến những thách thức và rủi ro mới. Chẳng hạn, năm 2016, tội phạm đã sử dụng các lệnh gian lận trên hệ thống thanh toán SWIFT để đánh cắp 81 triệu USD từ tài khoản ngân hàng trung ương Bangladesh tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực New York. Số tiền này được gửi đến các tài khoản tại RCBC có trụ sở tại Manila, sau đó biến mất ở các sòng bạc tại Philippines. Một năm sau, Ngân hàng NIC Asia có trụ sở tại Kathmandu đã bị tin tặc đánh cắp khoảng 4,4 triệu USD trong các giao dịch chuyển tiền gian lận đến các quốc gia, bao gồm Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Mỹ khi ngân hàng đóng cửa vào các ngày lễ hội hàng năm.

Các biện pháp chống gian lận hàng đầu được thực hiện

Để giải quyết các mối đe dọa gian lận đang gia tăng, các tổ chức tài chính tại APAC đang tiến hành một số chiến lược khác nhau. Nghiên cứu của NICE Actimize phát hiện ra rằng, tăng cường giám sát các giao dịch đáng ngờ (76,6%) là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất. Tiếp theo là các phương pháp xác thực nâng cao (70,2%), các sáng kiến ​​giáo dục khách hàng (68,1%) và triển khai các hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực (53,2%).

Các chuyên gia cũng cho biết đã điều chỉnh hạn mức giao dịch của mình để giảm tác động của tổn thất do gian lận (53%), tăng cường bảo mật trên ứng dụng ngân hàng (40%), tiến hành kiểm toán bảo mật cơ sở hạ tầng ngân hàng di động (32%) và hợp tác với các nhà cung cấp mạng hoặc nhà sản xuất thiết bị để tăng cường bảo mật (26%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các tổ chức tài chính APAC đang ngày càng chấp nhận chia sẻ thông tin. Hơn 1/4 (25,5%) chuyên gia tham gia khảo sát cho biết, các nhóm chống gian lận và AML của mình hiện đang hợp tác "rất chặt chẽ", trong khi gần 1/3 (30%) cho biết sự hợp tác như vậy diễn ra "thường xuyên".

Sự chuyển dịch theo hướng hợp tác chặt chẽ này phù hợp với các nỗ lực quản lý an ninh mạng trên khắp các khu vực pháp lý của APAC, nhằm khuyến khích chia sẻ thông tin như một biện pháp chống gian lận.

Vào tháng 6/2023, Hồng Kông (Trung Quốc) đã ra mắt Công cụ chia sẻ đánh giá tình báo tài chính (FINEST), một nền tảng điện tử cho phép các ngân hàng bán lẻ chia sẻ thông tin khi có dấu hiệu hoạt động tội phạm.

Tương tự như vậy, các cơ quan quản lý Singapore đã ra mắt nền tảng kỹ thuật số có tên là COSMIC vào tháng 4/2024. Sáng kiến ​​kỹ thuật số này nhằm mục đích tăng cường phòng chống rửa tiền, cho phép các ngân hàng chia sẻ thông tin rủi ro tội phạm tài chính với nhau nếu đáp ứng các ngưỡng quy định.

Các tổ chức tài chính APAC tăng cường đầu tư cho công nghệ

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công nghệ đang đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa gian lận. Khoảng 57,4% chuyên gia cho biết, tổ chức của mình đã đầu tư vào các công cụ phân tích nâng cao hoặc học máy (ML) để phát hiện gian lận theo thời gian thực. Khoảng 55,3% đầu tư vào bảo mật ngân hàng trực tuyến và di động và 48,9% áp dụng các giải pháp bảo mật sinh trắc học.

Bất chấp những khoản đầu tư này, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và ML để phòng ngừa gian lận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính APAC vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Chỉ có 27,7% chuyên gia cho biết, các công nghệ này được tích hợp đầy đủ trong tổ chức của mình, trong khi 46,8% chỉ sử dụng trong "các tình huống cụ thể" hoặc cho một số loại gian lận nhất định. Khoảng 12,8% số khác cho biết, tổ chức của mình "hiện đang thử nghiệm" AI/ML và vẫn chưa tích hợp công nghệ này vào hoạt động hàng ngày, với kỳ vọng việc áp dụng các công cụ này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Minh Ngọc