Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm

Quỳnh Lê 30/10/2024 - 14:47

Xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những động lực chính, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Ngành Ngân hàng thế giới và Việt Nam đang trải qua cuộc chuyển đổi sâu rộng dựa trên ứng dụng công nghệ số, tận dụng dữ liệu và triển khai mô hình kinh doanh đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tạo ra nguồn thu mới, không gian phát triển mới.

Nằm trong chuỗi kiện Hội thảo và triển lãm về Smart Banking năm 2024 đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm” nhằm hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở, từ đó góp phần định hình bức tranh tương lai ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên dữ liệu và số hóa.

kin_7799.jpg
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực tài chính - ngân hàng, xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những động lực chính, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

“Đây cũng là xu hướng toàn cầu quan trọng nhất trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sâu rộng ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, đem đến lợi ích, giá trị thiết thực cho khách hàng”.

Ngân hàng mở được xem là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, là xu hướng tất yếu của kinh doanh ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, trước sự thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của làn sóng công nghệ mới, các ngân hàng Việt Nam cũng đã mạnh tay đầu tư nhằm đáp ứng sự thay đổi trong xu hướng, nhanh chóng bắt nhịp xu thế toàn cầu để đem đến cho khách hàng những ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại nhất và trải nghiệm ưu việt nhất, đồng thời đảm bảo tính bảo mật, an toàn trong quá trình dịch chuyển theo xu hướng mới.

Chia sẻ về chiến lược ngân hàng mở lấy khách hàng làm trung tâm tại Techcombank, ông Mukesh Pilania, Giám đốc Cao cấp Ngân hàng số, cho biết: “Chúng tôi triển khai ngân hàng số với những mục đích rõ ràng, cùng 5 yếu tố mục tiêu: giữ tính đơn giản, giữ tính nhân văn, cá nhân hóa, thông minh và thu hút, tích hợp O2O (Online-to-Offline)".

kin_7864-min.jpg
Quang cảnh hội thảo

Tại sự kiện, đại diện Mastercard chia sẻ về 3 yếu tố nền tảng để tiến tới ngân hàng mở và xa hơn là tài chính mở và nền kinh tế mở.

Đầu tiên, hạ tầng kiến trúc. Mỗi nền tảng ngân hàng mở phải có các điều khoản, điều luật cũng như tiêu chuẩn chi tiết của dữ liệu, chẳng hạn như những dữ liệu nào bắt buộc chia sẻ, dữ liệu nào khuyến khích chia sẻ, dữ liệu nào để cho những bên tham gia lựa chọn. Bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp các thành viên tham gia đưa ra các chiến lược phù hợp để triển khai.

Tiếp theo, quyền của người dùng. Bản chất của ngân hàng mở là trao quyền cho người dùng và người dùng cần hiểu họ được trao quyền như thế nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh cho thấy, gần 60% người dùng chưa thực sự hiểu về quyền lợi của mình sau 5 năm triển khai ngân hàng mở. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và kết nối với người dùng để họ hiểu rõ quyền lợi của mình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là chiến lược của các bên tham gia. Các ngân hàng có thể lựa chọn tham gia một cách thụ động bằng cách đáp ứng theo quy định của pháp luật về ngân hàng mở, hoặc tham gia một cách chủ động trong việc xây dựng và xem đó là một chiến lược để tạo ra những giá trị thặng dư mới cho doanh nghiệp. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của mỗi ngân hàng.

“Ba yếu tố này sẽ quyết định việc triển khai ngân hàng mở của doanh nghiệp cũng như tiến gần hơn tới tài chính mở và nền kinh tế mở”, đại diện Mastercard khẳng định.

Trên thế giới, Mastercard đã tận dụng sức mạnh của AI trong hơn một thập kỷ để bảo vệ khách hàng khỏi các hành vi lừa đảo, mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Mastercard đã và đang ứng dụng công nghệ AI để bảo vệ hơn 143 tỷ giao dịch mỗi năm, phát hiện các hoạt động gian lận tài chính và ngăn chặn tội phạm mạng đánh cắp hàng tỷ đô.

kin_8006-min.jpg
Đại diệ Mastercard phát biểu tại Phiên hội thảo chuyên đề

Không chỉ dừng lại ở an ninh mạng, các tiến bộ công nghệ được hỗ trợ bởi AI của Mastercard còn đem đến giải pháp cho các vấn đề thế hệ mới - bao gồm nhưng không giới hạn ở lĩnh vực thanh toán. Các giải pháp này trao quyền cho người dùng thông qua công cụ kỹ thuật số tiên tiến, hỗ trợ hành trình AI của khách hàng, bao gồm cá nhân hóa, định danh kỹ thuật số, trải nghiệm bán lẻ thế hệ mới và mạng lưới đường ray thông minh sở hữu khả năng tự học.

kin_8131.jpg
Bà Li Hsiang Tu, Kiến trúc sư đám mây, Netron Information Technology,

Ở một góc nhìn khác, bà Li Hsiang Tu, Kiến trúc sư đám mây, Netron Information Technology chỉ ra rằng, đối với các tổ chức tài chính, việc xử lý và phân tích một lượng lớn thông tin tài chính phức tạp trong một khoảng thời gian giới hạn là rất quan trọng, báo cáo tài chính cá nhân của khách hàng thường dài hơn 90 trang và nều phụ thuộc vào các phương pháp xử lý thủ công truyền thống tốn nhiều thời gian, không hiệu quả và dễ mắc lỗi.

Do đó, giải pháp sử dụng công nghệ AI mà Netron Information Technology đưa ra sẽ tăng cường đáng kể hiệu quả xử lý thông tin, giảm thời gian đọc báo cáo tài chính từ hàng giờ xuống còn vài phút và cho phép tạo ra thông cáo báo chí trong vòng một giờ. Đồng thời, tăng cường khả năng giám sát tuân thủ thông qua các quy trình tự động, giảm thiểu sai sót của con người và cải thiện độ chính xác trong việc phát hiện nội dung không tuân thủ. Bên cạnh đó, tối ưu hóa phân bổ nguồn nhân lực bằng cách giải phóng nhân viên khỏi các công việc xử lý dữ liệu nhàm chán, giúp họ tập trung vào các hoạt động phân tích và ra quyết định có giá trị cao hơn.

“Dữ liệu và AI có thể tạo ra các giải pháp tùy chỉnh theo nhu cầu cụ thể của khách hàng, tối ưu hóa phạm vi triển khai để thực hiện các sáng kiến dài hạn, khả năng đa giải pháp và đa nhà cung cấp, giảm thiểu chi phí triển khai và vận hành”, ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc khối Giải pháp và phân tích dữ liệu, SVTECH cho biết.

Tại phiên hội thảo, các diễn giả và chuyên gia đã tập trung thảo luận chuyên sâu vào các nội dung như tái thiết kế ngân hàng số trong kỷ nguyên AI, siêu cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; thúc đẩy đổi mới trong thanh toán số và hơn thế nữa; phát triển hệ sinh thái toàn diện nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng...

Quỳnh Lê