Tăng tốc chuyển đổi số song hành cùng đảm bảo an ninh, bảo mật và phòng chống gian lận
Ngày 30/10/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức Hội thảo "Tăng tốc chuyển đổi số song hành cùng đảm bảo an ninh bảo mật và phòng chống gian lận". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo VNBA cho biết, đây là lần thứ 2 trong năm, VNBA cùng Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ/ngành và tổ chức tín dụng (TCTD) đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong các hoạt động thanh toán trực tuyến, chủ đề hội thảo cho thấy tính thời sự rất cao.
Theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại những tiện ích, giao dịch thuận lợi hơn cho người dân, tạo nên bước chuyển biến, đột phá mới cho ngành Ngân hàng.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như Blockchain (công nghệ chuỗi khối), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số.
Đáng chú ý, tội phạm trong công nghệ cao gần đây có những diễn biến phức tạp, với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế.
Trước tình hình đó, để đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán điện tử, bảo vệ khách hàng khỏi các mối đe dọa lừa đảo cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của các dịch vụ ngân hàng số, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể:
Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng hướng đến việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; cũng như phòng chống lừa đảo, gian lận trong lĩnh vực thanh toán, ví như: Quyết định 2345/QĐ-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp bảo mật mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt tập trung vào phòng chống gian lận và bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), cũng đã triển khai nhiều giải pháp về quy trình, công nghệ. Cụ thể là: (i) Làm sạch sữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư; (ii) Triển khai các giải pháp xác thực như xác thực sinh trắc, xác thực đa thành tố trong giao dịch trực tuyến như OTP, FIDO, chữ ký số); (iii) Tăng cường các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là áp dụng các giải pháp công nghệ mới như AI, Blockchain,… trong phòng chống rửa tiền và gian lận. Đồng thời, các TCTD cũng triển khai hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán.
Hội thảo hôm nay được tổ chức với mong muốn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp từ một trong những nước có lĩnh vực công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, đặc biệt trong công tác phòng chống rửa tiền, gian lận và tuân thủ các quy định, nền tảng khởi tạo và tối ưu hóa hành trình số, chữ ký số, đảm bảo an ninh bảo mật và phòng chống gian lận,
Tại hội thảo, ông Chen Peretz, Tham tán thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, bày tỏ lời cảm ơn VNBA về sự tiếp đón trọng thị và phối hợp tổ chức hội thảo lần này. Theo ông, đây là cơ hội để tìm kiếm tiềm năng hợp tác mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, tổ chức tài chính của Việt Nam và các hãng công nghệ của Israel – nơi đi đầu về an ninh bảo mật trong lĩnh vực tài chính và tập trung vào các giải pháp phòng chống gian lận rửa tiền trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Trình bày tại Hội thảo, Chuyên gia tới từ Công ty BioCash cho biết, lừa đảo tài chính công nghệ cao đang là vấn nạn toàn cầu. Tội phạm mạng đang trở nên đông đảo hơn và táo bạo hơn. Đầu tiên, tội phạm mạng có thể dễ dàng tìm, đánh cắp hoặc mua dữ liệu cá nhân như email và địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh và các thông tin nhận dạng cá nhân khác để truy cập hoặc mở tài khoản gian lận.
Thứ hai, phần mềm độc hại, công cụ truy cập từ xa và các công nghệ khác mà tội phạm mạng sử dụng đã phơi bày điểm yếu của mật khẩu, ID, OTP và các công cụ xác thực khác. Trên thực tế, bất chấp các biện pháp kiểm soát hiện có, vấn đề gian lận vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng, với đích nhắm đến là các tổ chức tài chính.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, các quốc gia đã bắt kịp bối cảnh trên bằng cách chuyển sang các phương pháp mới hơn, hiệu quả hơn để theo dõi tội phạm mạng. Một trong những xu hướng giải pháp bảo vệ các giao dịch ngân hàng số mà Công ty BioCatch áp dụng đó là sinh trắc học hành vi.
Đại diện BioCatch cho biết, sinh trắc học hành vi áp dụng máy học (ML) để phân tích hành vi, nhận thức của người dùng, nhằm phân biệt giữa hoạt động tội phạm mạng và khách hàng hợp pháp, xác định hành vi gian lận và đánh cắp danh tính.
Điều quan trọng nhất là có thể sử dụng dữ liệu hành vi để đưa ra thông tin phân tích chi tiết về hoạt động gian lận, giúp vạch trần các cuộc tấn công gian lận tiên tiến nhất. Sinh trắc học hành vi có thể được triển khai trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đóng vai trò chính trong việc xây dựng lòng tin của khách hàng và an toàn kỹ thuật số.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia đến từ các hãng công nghệ Israel còn giới thiệu về những giải pháp bảo mật an toàn khác rất đáng quan tâm như: Quy trình quản lý thông tin khách hàng, cá nhân hóa hồ sơ khách hàng, quản lý tương tác kỹ thuật số, tích hợp liền mạch giúp đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả; thu thập dữ liệu, tăng trải nghiệm khách hàng qua lớp tương tác khác nhau; xác minh chữ ký viết tay và xác định chữ ký theo thời gian thực...
Các thông tin, giải pháp chia sẻ tại hội thảo đã nhận được sự quan tâm, trao đổi và đánh giá cao của các đại biểu tham dự.